Hôm nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2023

Khánh Nguyễn-Thứ ba, ngày 27/06/2023 06:08 GMT+7

VTV.vn - Mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 đã hoàn tất. Các điểm thi đã sẵn sàng đón thí sinh đến làm thủ tục dự thi.

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/6, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi.

Vào 14h chiều nay (27/6), thí sinh có mặt để làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi.

Đây là kỳ thi quan trọng nên nhiều thí sinh đã có kế hoạch phân bổ thời gian ôn tập, nghỉ ngơi hợp lý để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi. Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 26/6 - 1 ngày trước kỳ thi, một số thí sinh tìm đến điểm thi để tìm hiểu trước về sơ đồ phòng thi.

Hôm nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh 1.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (từ ngày 27 - 30/6) khá thuận lợi ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam đảm bảo điều kiện để các học sinh tham dự và thực hiện tốt bài thi. Các tỉnh, thành khu vực miền Bắc thời tiết mát mẻ, cục bộ có nắng nóng nhẹ, chiều tối có thể mưa rào. Các tỉnh, thành khu vực miền Trung có nắng nóng nhưng không gay gắt. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng nhẹ, chiều tối có thể mưa rào.

Kỹ lưỡng công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên hàng năm của ngành Giáo dục và luôn là việc được ngành xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu quan trọng, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kỳ thi bấy nhiêu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Do đó, sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi… nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.

Hôm nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh 2.

Vào 14h chiều 27/6, thí sinh có mặt để làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi. Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về chuẩn bị cho kỳ thi. Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp Quốc gia, có thể thấy, các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Các tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Cùng với triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi. Các địa phương xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Ngành Giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT . Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ học sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả và tổ chức từ một đến nhiều đợt thi thử. Đặc biệt, các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi.

Hôm nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, sau 3 năm kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 với biết bao khó khăn, thử thách, đây là năm kỳ thi quay về trạng thái bình thường, thời gian thi thay đổi trở về vào thời điểm cuối tháng 6 như thời gian trước khi có dịch COVID-19. Học sinh lớp 12 dự thi năm nay đã có một năm học cuối cấp trọn vẹn học trực tiếp. Tuy nhiên, lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay đã có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Do đó, các trường đã phải tăng cường tổ chức ôn tập nhằm giúp các em có được kiến thức và tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.

Liên ngành phối hợp chống gian lận thi cử

Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là vấn đề đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an cảnh báo từ nhiều năm qua. Trong kỳ thi năm nay, nhiều giải pháp tiếp tục được đưa ra để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn, giảm thiểu cao nhất gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao. Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.

Hôm nay (27/6), hơn 1 triệu thí sinh đến làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh 4.

Lực lượng an ninh phát hiện, thu giữ nhiều trang thiết bị công nghệ cao phục vụ gian lận thi cử. Ảnh: TTXVN

Ngành Công an bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc buôn bán thiết bị công nghệ cao. Hàng năm, trong công tác tuyên truyền, tập huấn trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố đều cung cấp thông tin, tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ coi thi để lực lượng này chủ động phát hiện, nhận diện thí sinh mang và sử dụng thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận.

Mới nhất, vào ngày 26/6, 1 ngày trước Kỳ thi, Công an tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an và Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội triệt phá đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử với quy mô lớn trên phạm vi cả nước.

Để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng: Vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc, khi những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được.

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi nói chung, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý tinh thần chỉ đạo "4 đúng - 3 không" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt. Cụ thể, "4 đúng" là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường; "3 không" là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức. Việc thực hiện được "4 đúng - 3 không" chính là hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan, công bằng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước