Hôm nay (7/1), hơn 270 vị hiệu trưởng các trường đại học đã cùng có mặt tại Đà Nẵng để thảo luận giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố con số khiến nhiều nguời giật mình đó là: Quý III/2016, có hơn 200.000 người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên.
Cũng vì thế, một trong những nội dung được bàn thảo nhiều tại Hội nghị các hiệu trưởng các trường đại học ở Việt Nam hôm nay là làm thế nào để cải thiện chất lượng đào tạo sinh viên, từ đó, giúp tăng cơ hội việc làm cho cử nhân đại học.
Có ý kiến cho rằng, số lượng trường đại học tăng lên, quy mô tuyển sinh vì thế cũng tăng là một trong những lí do dẫn đến việc đào tạo cử nhân trở nên dư thừa. Với số lượng trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 6.6 trường đại học, cao đẳng và không có đơn vị nào kiểm soát số lượng nguồn nhân lực đào tạo theo từng ngành nghề dẫn đến số lượng nhân lực cung - cầu theo từng ngành nghề tương ứng khó có thể gặp nhau.
Bất cập cũng nằm ngay ở chương trình đào tạo đại học hiện nay. Ở một số ngành đào tạo, giáo trình chậm được cập nhật, còn có những môn nặng về lí thuyết, theo lối truỳên thống khiến nhiều người ví bậc đại học như là cấp 3 kéo dài. Cách dạy học hiện nay cũng chưa chú trọng phát huy khả năng tự nghiên cứu, tìm tòi, khám phá của sinh viên, khiến nhiều em trở nên thụ động, ỉ lại, thiếu năng động và khả năng thích ứng chưa tốt.
Trong Hội nghị hôm nay, các ý kiến phát biểu đều rất thẳng thắn. Có vị hiệu trưởng đặt câu hỏi: "Trong khi con số trường trung cấp nâng cấp thành cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên đại học là thường xuyên; thì từ trước đến nay đã có trường đại học, cao đẳng nào bị đóng cửa vì đào tạo kém chất lượng?". Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, sẽ có những giải pháp quyết liệt như đẩy nhanh tiến độ giao quyền tự chủ cho các trường, tăng cường công tác kiểm định chất lượng, tạo môi trường pháp lý cho hệ thống các trường tư thục có thể phát triển tốt hơn, với mục tiêu cải thiện chất lượng đào tạo sinh viên.
Tuy nhiên, không chỉ riêng ngành giáo dục mà nhiều ngành nghề khác phải cùng chung tay thì mới có thể hạn chế được tình trạng sinh viên thất nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!