Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS được coi là giải pháp tích cực nhằm phát triển hợp lý nguồn nhân lực. Công tác này càng quan trọng hơn khi bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ được lựa chọn môn học và nội dung học, nhằm phát triển cả kiến thức lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành, hướng tới định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Điều đó có nghĩa thay vì hết cấp THPT học sinh mới chọn nghề chọn trường như trước kia thì nay, việc này sẽ phải đẩy sớm lên ngay sau cấp THCS. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều nhà trường, địa phương vì thực hiện chưa đúng khiến công tác này thành việc ép học sinh đi học nghề.
Để thay đổi tình hình này, các nhà trường đang nỗ lực huy động nguồn lực để tổ chức tốt hơn công tác hướng nghiệp. Bài toán khó cần thay đổi tư duy để tìm lời giải phù hợp với nhu cầu và mong muốn của các em.
Huy động nguồn lực để hướng nghiệp sớm cho học sinh
Là phụ huynh trong trường nhưng chị Lan Anh tham gia Ngày hội tìm hiểu nghề nghiệp của các con trong vai trò chuyên gia nghề "Quản lý chuỗi cung ứng". Nhiều học sinh đã tìm đề chị để tìm hiểu về ngành này từ khái niệm đến mô tả công việc.
Để làm tốt vai trò chuyên gia làm việc trong khối ngành sức khỏe, bác sĩ Phạm Huyền Khanh đã chuẩn bị chu đáo cho buổi tư vấn này. Chị soạn thảo và in sẵn tập tài liệu, chị phát cho tất cả học sinh quan tâm đến lĩnh vực y khoa.
Tại ngày hội, học sinh đã thu thập được nhiều thông tin. Ngoài kiến thức nghề nghiệp, các em còn được truyền cảm hứng đam mê, tâm huyết của các chuyên gia trong từng lĩnh vực.
Em Trương Thị Linh Nhạn, học sinh trường Phổ thông liên cấp Olympia chia sẻ: "Cách các cô chú phụ huynh chia sẻ rất khác với thầy cô hay chuyên gia hướng nghiệp. Các thầy cô thường tìm hiểu điểm mạnh của chúng em rồi gợi ý những ngành phù hợp. Còn phụ huynh chỉ tư vấn một ngành nhưng rất sâu và cho em cái nhìn rất thực tế".
Nhiều năm tổ chức thành công các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, kinh nghiệm của trường Phổ thông liên cấp Olympia cho thấy bất cứ nhà trường nào cũng có thể thực hiện hiệu quả công tác này nếu biết cách huy động các nguồn lực sẵn có.
Chi phí cho hoạt động này tùy thuộc vào từng trường. Tuy nhiên, ngay cả khi ngân sách eo hẹp, các trường vẫn có những nguồn lực sẵn có để thực hiện như mời phụ huynh, cựu học sinh đến trường chia sẻ để các em có cái nhìn thực tế về nhiều ngành nghề.
Để đẩy mạnh công tác tuyển sinh, hiện nhiều trường cao đẳng và đại học cũng đang sẵn sàng đóng góp nguồn lực chia sẻ trách nhiệm này với các nhà trường phổ thông.
Bản thân các trường đại học có thể về các trường thực hiện các dự án stem giới thiệu nghề nghiệp, các em có điều kiện trải nghiệm các nghề nghiệp mà các em yêu thích từ đó có sự lựa chọn phù hợp.
Theo quy định, khi học xong lớp 9, học sinh có quyền tham gia học nghề ở các cơ sở đào tạo. Cũng từ năm học tới đây, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ phải chọn tổ hợp môn học gần với nghề nghiệp tương lai ngay từ khi vào lớp 10. Việc tư vấn, chọn nghề cho các em từ cấp THCS vì thế càng phải được đặc biệt quan tâm.
Học nghề hệ 9+ rút ngắn con đường đến việc làm
Không thể phủ nhận, dù vẫn còn trăn trở, khó khăn nhưng các chính sách phân luồng giáo dục đã phần nào phát huy hiệu quả, khi định hướng nghề nghiệp của học sinh qua các năm đã rõ rệt hơn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề ngày càng tăng, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Trong năm 2020, tỷ lệ này đạt khoảng 16%, tăng 5% so với năm 2015. Với lựa chọn theo học hệ trung cấp, cao đẳng nghề hệ 9+ ngay khi hết cấp hai, phần lớn học sinh cũng đặt rõ mục tiêu thay vì học 3 năm THPT, học nghề sớm sẽ rút ngắn con đường đến với việc làm.
Lắp mạch điện khởi động động cơ ô tô chỉ là một trong rất nhiều kỹ năng mà Công và các bạn cùng lớp được thực hành và thao tác thành thạo, khi mới chỉ học lớp 11 tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn, tỉnh Bắc Giang.
Học cao đẳng hệ 9+ ngành điện tử công nghiệp với chương trình liên kết nước ngoài, thời gian này, Lực (học sinh Ngành Điện tử Công nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại, tỉnh Vĩnh Phúc) đang không ngừng nỗ lực trau dồi kiến thức vì mục tiêu đặt ra khi quyết định học nghề đang dần trở thành hiện thực.
Sớm gia nhập thị trường lao động là mục tiêu rõ ràng được phần lớn học sinh hệ 9+ đặt ra. Cũng theo các chuyên gia, học nghề sớm giúp các em sớm có kĩ năng và trình độ, linh hoạt trong chuyển đổi công việc. Nhất là hiện nay, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, ngày càng nhiều nghề mới xuất hiện thay thế các nghề cũ.
Ông Hà Toàn Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn, tỉnh Bắc Giang cho biết, rất nhiều ngành nghề có nhu cầu học lớn là điện, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, thiết kế đồ họa… Với mô hình 9+, sẽ có khoảng 30% các em học liên thông, còn lại phần lớn tiếp cận với các doanh nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Tỷ lệ có việc làm hơn 90%.
Cũng theo ông Thắng, cơ hội việc làm cho học sinh hệ 9+ sau khi ra trường là không ít, khi tại Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ mới đạt 21%. Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật đã tồn tại trong thời gian dài và ngày càng có xu hướng gia tăng.
Dạy làm nông dân thế hệ mới
Cơ hội việc làm với những học sinh học hệ 9+ sau khi ra trường là không ít. Tâm lý lựa chọn học nghề sau khi kết thúc THCS cũng đang dần có những chuyển biến với những những nỗ lực trong công tác hướng nghiệp…
Đặc biệt, đã có thêm những mô hình trường cấp 3 dạy nghề mới, khai thác chính thế mạnh nông nghiệp truyền thống… Đó là câu chuyện về ngôi trường cấp 3 đầu tiên ở Việt Nam dạy học sinh kỹ thuật nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm, theo mô hình Nhật Bản.
Với những học sinh 16 tuổi, chưa bao giờ làm nông nghiệp, bài học về kỹ thuật nông nghiệp như đảo phân thực sự nhiều bỡ ngỡ trong những buổi học đầu tiên. Tuy nhiên, cùng với bỡ ngỡ lại là quyết tâm cao bởi các em đều xác định được mục tiêu tương lai của mình sau 3 năm học.
Xác định tương lai, gần 60 học sinh, trong đó có cả những học sinh đến từ các tỉnh thành phía Nam, nỗ lực để học tập và sống xa nhà. Nhà trường bởi vậy cũng nỗ lực đảm bảo định hướng đầu ra cho các em.
Là đề án được triển khai theo mô hình liên kết với Nhật Bản đào tạo hệ trung cấp lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao cho học sinh sau THCS, Trường cấp 3 Nông nghiệp Nam Định tập trung đào tạo 3 nghề chính là Kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản, Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Công nghệ sinh học cùng với chương trình phổ thông và ngôn ngữ tiếng Nhật…
Khóa học đầu tiên nhà trường tuyển sinh được 2/3 chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, dự kiến đến năm nay, số lượng chỉ tiêu sẽ phải tăng.
Sau những tiết học chế biến, sản phẩm đã thành hình dù chưa thể hoàn hảo còn thành quả của giờ học kỹ thuật nông nghiệp sẽ phải đợi hơn 2 tháng nữa nhưng đã thêm niềm tin, sự hứng khởi niềm hứng khởi cho những học sinh với thành quả bước đầu của mình sau 1 năm học làm nông dân thế hệ mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!