Đây là một phần nội dung bài viết "Indonesia và bài toán cải cách giáo dục, đào tạo" đăng tải trên trang mạng ASEAN Post mới đây. Trong bài viết này, tác giả đã nêu bật thách thức mà Indonesia đối mặt trên con đường tiến tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đó là trình độ lao động của đội ngũ lao động không tương xứng với những yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển tất yếu của đất nước và điều này đang trở thành lực cản vô cùng lớn đối với sự phát triển của Indonesia.
Theo dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), hiện tại, Indonesia là quốc gia có tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, khoảng 15%. Nhiều sinh viên Indonesia sau khi tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm phù hợp và buộc phải lựa chọn những công việc lao động chân tay, không liên quan đến các chuyên ngành được đào tạo vì những lĩnh vực lao động trí óc hiện nay đòi hỏi người lao động không những có trình độ chuyên sâu mà phải có những kiến thức cơ bản và thái độ cũng như phong cách làm việc chuyên nghiệp, trong khi phần lớn đội ngũ lao động của Indonesia không đáp ứng được những yêu cầu cần thiết này.
Các nghiên cứu của tổ chức Hướng dẫn kinh doanh toàn cầu (GBG) đánh giá, Indonesia hiện sở hữu gần 4.500 với hơn 25.500 chuyên ngành đào tạo, tuy nhiên các tổ chức giáo dục bậc đại học của Indonesia vẫn xếp ở hạng kém trong bảng đánh giá chất lượng giáo dục toàn cầu. Cụ thể, cuối năm 2017, chỉ có 65 trong số gần 4.500 trường đại học được đánh giá đạt mức đào tạo hạng A. Hầu hết các trường đại học hoạt động yếu kém đều thuộc sở hữu tư nhân, các trường đại học này cung cấp các dịch vụ giáo dục không đạt chuẩn và hàng năm đào tạo ra hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp với chất lượng thấp.
Các nghiên cứu kết luận rằng đây là một trong những lý do chính làm cho tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học thất nghiệp ngày càng tăng từ số 374.868 người năm 2016 lên 463.390 người trong năm 2017. Thực trạng đáng báo động này đã khiến Bộ nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học Indonesia công bố kế hoạch đóng cửa hoặc sáp nhập 1.000 cơ sở giáo dục đào tạo tư nhân vào năm 2019.
Theo phân tích, đánh giá của GBG, một vấn đề lớn khác của các trường đại học Indonesia hiện nay là thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ. Thực trạng này sẽ còn nghiêm trọng hơn khi đội ngũ giảng viên tại các trường đại học Indonesia đang đến độ tuổi nghỉ hưu và dự kiến sẽ có khoảng 6.000 giảng viên sẽ nghỉ hưu vào năm 2021.
Theo nhận định đưa ra trong bài viết, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN có thể sẽ không đủ thời gian để trang bị cho người lao động những kỹ năng, kiến thức cần thiết trong việc duy trì tính cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà với các nền kinh tế khác trong khu vực. Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có trình độ cao (ước tính khoảng 50% trong tổng số lao động hiện có tại Indonesia) trong bối cảnh quốc gia này đang đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế… Tất cả những khó khăn trên đang cản trở sự phát triển kinh tế của Indonesia.
Đứng trước thách thức trên, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tận dụng triệt để xu hướng khuyến khích các trường đại học tích cực theo đuổi phương pháp giáo dục điện tử để giúp đất nước xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức và giải quyết triệt để tình trạng thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên. Xu hướng khởi nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Indonesia và phương pháp giáo dục điện tử cũng được các trường đại học nghiên cứu triển khai kết hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động…
Bên cạnh đó, để cải thiện chất lượng của các trường đại học địa phương, chính phủ Indonesia đã khuyến khích các trường đại học có uy tín nước ngoài mở các cơ sở giáo dục tại Indonesia hoặc liên kết, hợp tác với các trường đại học địa phương triển khai chương trình đào tạo với hy vọng mang lại chất lượng tốt hơn. Theo Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục, tháng 9/2018, có 2 trường đại học của Australia đã được Indonesia chấp thuận mở cơ sở đào tạo tại Indonesia. Nhiều trường đại học tại Indonesia đã hợp tác với các trường đại học nước ngoài thông qua trao đổi giảng viên và sinh viên, tài trợ học bổng, chương trình đào tạo, nghiên cứu chung...
Nhu cầu về các dịch vụ giáo dục chất lượng cao bậc đại học ở Indonesia sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần vì hiện có 43% dân số quốc gia này ở độ tuổi dưới 25 tuổi và dân số ở tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 140 triệu vào năm 2030. Những nỗ lực của Tổng thống Jokowi trong việc cải tổ ngành giáo dục của đất nước được đánh giá cao, tạo ra sự lạc quan về triển vọng và những mục tiêu chiến lược đang được nhắm đến, đó là giáo dục bằng phương tiện điện tử sẽ cho phép nhiều người có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo hơn và giảm chi phí đáng kể trong quá trình dạy và học theo phương pháp truyền thống.
Theo số liệu khảo sát mới nhất của đại học Cambridge (Anh), sinh viên Indonesia thuộc nhóm những quốc gia sử dụng công nghệ thông tin cao nhất thế giới trong việc học tập, tiếp thu kiến thức. Số lượng người dùng Internet tại Indonesia cũng liên tục tăng trong những năm gần đây, đặc biệt đã tăng 10% vào năm 2018. Trong đó, 171 triệu người, tương đương 64,8% tổng dân số 264 triệu người Indonesia sử dụng Internet vào năm 2018.
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tận dụng triệt để xu hướng khuyến khích các trường đại học tích cực theo đuổi phương pháp giáo dục điện tử để giúp đất nước xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức và giải quyết triệt để tình trạng thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên. Xu hướng khởi nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Indonesia và phương pháp giáo dục điện tử cũng được các trường đại học nghiên cứu triển khai kết hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động… Việc này có thể tạo ra một thế hệ lao động trẻ với đầy đủ tri thức và kỹ năng lao động cần thiết có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!