Cử tri lo lắng về sai sót trong sách giáo khoa, thiếu sách
Tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội bày tỏ ghi nhận nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chỉ đạo biên soạn, xuất bản phát hành sách giáo khoa mới theo đúng tiến độ mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Đại biểu chia sẻ với những vướng mắc về nhân sự và tài chính mà Bộ và ngành giáo dục nói chung khó một mình giải quyết là đổi mới giáo dục mà người và tiền đều không chủ động được thì khó có thể làm tốt.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng)
Tuy nhiên, theo đại biểu Thúy, nếu Bộ Giáo dục - Đào tạo kiểm tra, thanh tra sâu sát, phát hiện khó khăn, vướng mắc, sai phạm và kịp thời trao đổi với lãnh đạo địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp tháo gỡ, xử lý thì những khó khăn vướng mắc sai phạm ấy không phải không có cách giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ rõ những hạn chế bắt nguồn từ việc điều hành của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Đại biểu nêu những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ phải xử lý hình sự, có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo không đúng và thiếu kiểm tra, thanh tra sâu sát.
Về những sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, đại biểu Thúy cho rằng thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình hiện nay.
"Hầu hết các ý kiến phê bình góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời. Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế" – đại biểu cho biết.
Có công ty giáo dục chi gần 100 tỷ đồng để "phát triển thị trường và tập huấn"
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng nêu lên tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh, học sinh trong việc chọn sách giáo khoa mà báo chí thường phản ánh.
Đại biểu chỉ rõ, tuy có đề ra quy trình chọn sách từ cấp cơ sở cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người mà không hề có quy định là khi một cuốn sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỷ lệ như thế nào.
"Nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn sách giáo khoa, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng, thậm chí nhiều tố chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên" – bà Thúy nói và cho biết thêm có địa chỉ cụ thể của giáo viên và cán bộ quản lý.
ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp tục lấy ví dụ là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Phương Nam (Công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Trong chưa đầy 2 năm, công ty này chi gần 100 tỷ đồng để phát triển thị trường và tập huấn. Đại biểu đặt câu hỏi Bộ Giáo dục – Đào tạo đã thanh tra trường hợp này chưa.
"Nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng "chạy chọt đi đêm" trong việc này thì sẽ lại có những vụ như Việt Á hay các vụ án hình sự về đấu thầu, trang thiết bị trong chính ngành giáo dục" – bà Thúy nhấn mạnh.
Đại biểu cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan, chẳng những không khuyến khích được sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn xuất bản, phát hành sách giáo khoa mà còn có khả năng khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh, dần dần làm sai lệch chủ trương xã hội hóa, thậm chí xóa bỏ xã hội hóa, trở lại độc quyền như cũ.
Từ những lý do trên, ĐBQH TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời, yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo khẩn trương rà soát, sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của Thông tư 25. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Cần có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo và các địa phương khó khăn
Trước đó, cũng liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (tỉnh Yên Bái) cho biết, hiện nay, nguồn lực giáo viên để phục vụ cho công tác giảng dạy theo chương trình mới ở nhiều địa phương còn thiếu. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các địa phương có thể tự tuyển chọn giáo viên Tiểu học theo tiêu chuẩn như giai đoạn trước…
Các địa phương sẽ có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2030. Đội ngũ giáo viên này đảm bảo đạt được kết quả theo quy định. Đồng thời, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường ở địa bàn đặc biệt khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (tỉnh Yên Bái)
Để đảm bảo các điều kiện phát triển khai thực hiện chương trình, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, bổ sung đầy đủ các quy định, hướng dẫn để loại bỏ khó khăn cho các địa phương, nhà trường và học sinh trong triển khai chương trình triển khai đảm bảo hiệu quả, dễ dàng thực hiện.
Trong khi đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận) đã nêu thực trạng khó khăn của ngành giáo dục như: Nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm; tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông.
Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!