Năm 2022, bên cạnh các phương thức tuyển sinh đại học đã áp dụng từ những năm học trước như: Xét tuyển thẳng; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tổ chức thi các môn năng khiếu để xét tuyển vào các ngành có xét tuyển môn thi năng khiếu; ưu tiên cộng điểm; xét tuyển thẳng đối với thí sinh viết bài luận đạt kết quả tốt, Đại học Sư phạm Hà Nội bổ sung phương thức tuyển sinh mới (phương thức 5) là xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực kết hợp với kết quả học tập THPT.
Kỳ thi này được tổ chức nhằm đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, gia tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và phân loại tốt hơn năng lực của các thí sinh để tuyển chọn được tân sinh viên phù hợp với từng ngành đào tạo.
Theo đó, thí sinh lựa chọn và thực hiện một hoặc một số bài thi (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường.
Cùng với bài thi viết để đánh giá năng lực, thí sinh phải đáp ứng các điều kiện về hạnh kiểm tất cả các học kỳ ở bậc THPT từ loại Khá trở lên và điểm trung bình chung của 5 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6.5 trở lên (không có học kỳ nào dưới 6.5).
Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức xây dựng cấu trúc, ma trận các đề thi sao cho các bài thi đánh giá được các năng lực đặc thù để tuyển sinh vào ngành hoặc nhóm ngành đào tạo cụ thể của trường.
Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy với thời gian mỗi môn từ 60 đến 90 phút. Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo môn thi, bao gồm các câu hỏi kiểm tra khả năng lập luận, năng lực phân tích, đánh giá và sáng tạo.
Sau khi tổ chức thi thử nghiệm và lấy ý kiến nhận xét, góp ý của các chuyên gia, giảng viên, giáo viên giàu kinh nghiệm, Đại học Sư phạm Hà Nội đã điều chỉnh, hoàn thiện và sớm công bố các đề thi tham khảo trên cổng thông tin tuyển sinh của trường tại địa chỉ: http://tuyensinh.hnue.edu.vn.
Mỗi ngành học sẽ xét tuyển dựa theo kết quả thi đánh giá năng lực 2 môn (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có). Các ngành có thi năng khiếu sẽ xét theo tổng điểm thi năng khiếu kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (đã nhân hệ số và cộng điểm ưu tiên, nếu có).
Do đó, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các môn thi cần lấy kết quả thi để đăng kí xét tuyển vào các ngành đào tạo theo nguyện vọng, kiểm tra giờ thi của các môn và đăng ký các môn thi qua cổng thông tin đăng ký tuyển sinh tại địa chỉ: https://ts2022.hnue.edu.vn để tránh việc trùng lịch thi.
Thí sinh có nguyện vọng dự thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào Đại học Sư phạm Hà Nội được đăng ký tối đa 2 nguyện vọng. Đối với thí sinh có 2 nguyện vọng xét tuyển, trường xét nguyện vọng 1 trước, nếu nguyện vọng thứ nhất không trúng tuyển, nguyện vọng 2 được xét tuyển như nguyện vọng thứ nhất.
Kết quả xét tuyển theo phương thức 5 được công bố sớm, dự kiến vào ngày 31/5/2022. Nếu chưa trúng tuyển theo phương thức này, thí sinh vẫn còn nguyên cơ hội đăng ký 4 phương thức tuyển sinh truyền thống của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Như vậy, học sinh lớp 12 không cần quá lo lắng, áp lực khi đăng ký và ôn tập, chuẩn bị cho bài thi đánh giá năng lực của trường. Kỳ thi đánh giá năng lực và phương thức tuyển sinh mới thực chất làm gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào ngành học tại Đại học Sư phạm Hà Nội phù hợp với nguyện vọng của bản thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!