Các thí sinh làm bài tại điểm thi trường Trần Phú (Đà Nẵng). Ảnh: TTXVN
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hòa Bình, Bắc Giang cho thấy, các thí sinh đến điểm thi đều được kiểm tra y tế nghiêm ngặt, thực hiện nghiêm các quy trình phòng, chống dịch bệnh như: đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay sát khuẩn trước khi bước vào phòng thi. Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi Ngữ văn và Toán khá "dễ thở", vừa sức với các em.
Đề thi Ngữ văn vừa sức, thí sinh tự tin đạt điểm cao
Dự thi tại điểm thi Trường Trung học Phổ thông Tôn Thất Tùng (Đà Nẵng), thí sinh Trần Thị Tiểu Mẫn nhận xét, đề thi Ngữ văn năm nay phù hợp và vừa sức và em hoàn thành bài thi Văn khá tốt. Em tự tin mình làm được khoảng 7-8 điểm. Cùng ý kiến, thí sinh Kim Lệ chia sẻ: em rất ấn tượng với câu hỏi đề cập đến việc tạo dựng niềm tin trong cuộc sống. Phần nghị luận văn học chỉ dừng ở mức yêu cầu thí sinh phân tích khung cảnh của Việt Bắc, không yêu cầu cao siêu như những đề thi Văn dành cho học sinh giỏi.
Thí sinh Trần Thị Quỳnh Chi, điểm thi Trường Trung học Phổ thông Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhận định dù Ngữ văn không phải môn sở trường, tuy nhiên, em vẫn làm bài tốt và dự đoán mình được 7 điểm. Phần đọc hiểu dễ lấy điểm, phần nghị luận xã hội có thể liên hệ thực tiễn trong cuộc và rất phù hợp trong việc nâng cao tinh thần yêu nước của chúng em.
Nhận xét về đề thi môn Ngữ Văn, thầy Nguyễn Đình Hòa, Giáo viên dạy Ngữ Văn tại trường Trung học Phổ thông Trần Phú (Đà Nẵng) nhận định, đề thi không khó, không đánh đố học sinh. Tuy nhiên, nhiều học sinh không ôn tập kỹ sẽ bị bất ngờ vì tác phẩm "Việt Bắc" của Tố Hữu đã có trong đề thi dự bị đợt 1. Phần đọc hiểu các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết nên các em dễ dàng đạt điểm tối đa ở câu 1, 2, 3.
Phần nghị luận xã hội được triển khai từ nội dung văn bản đọc hiểu về sự cần thiết phải có niềm tin trong cuộc sống. "Đây là một câu hỏi hay vừa mang tính thời đại vừa phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các em đang nuôi dưỡng nhiều ước mơ, hoài bão lớn lao, thậm chí xa vời tưởng như viễn vông. Niềm tin là điều rất cần để các em nỗ lực vươn tới một tương lai tốt đẹp bằng sự nỗ lực cao độ, khai phóng những năng lực còn tiềm ẩn trong các em. Tuy nhiên, để đạt điểm cao câu nghị luận xã hội, ngoài kỹ năng viết tốt, các em còn cần chiều sâu của suy tưởng, sự dồn nén của những ước mơ, hoài bão", thầy Nguyễn Đình Hòa chia sẻ.
Cô Ngô Thanh Hiền, Trường Trung học Phổ thông Ngô Sĩ Liên (Bắc Giang) cho rằng, các câu hỏi trong đề thi bám sát chương trình, vừa sức với học sinh và có sự phân hóa. Phần đọc hiểu (3 điểm) gửi gắm thông điệp về vai trò quan trọng của niềm tin trong cuộc sống. Các câu hỏi lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ khó tăng dần. Ở phần làm văn, câu 1 yêu cầu thí sinh viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải có niềm tin trong cuộc sống. Đây là phần học sinh có thể bày tỏ ý kiến của bản thân, đồng thời thể hiện được khả năng hiểu biết cũng như kinh nghiệm sống của mình. Câu 2 của phần làm văn là một bài nghị luận văn học đặt ra yêu cầu phân tích đối với thí sinh, đối với những em có học lực khá, giỏi sẽ phát huy được năng lực viết và cảm thụ văn học của mình. Do vậy, những học sinh có lực học trung bình có thể giải quyết được đề bài ở mức độ 50- 60%.
Đề thi Toán có sự phân hóa
Đối với đề thi môn Toán, thí sinh Đỗ Kiều Trinh, điểm thi Trường Trung học Phổ thông Phan Châu Trinh cho biết, đề thi năm nay khá dễ, em không bị áp lực khi làm bài. Thời gian thi 90 phút, nhưng em hoàn thành bài thi chỉ với hơn 60 phút, em hoàn toàn tự tin đạt được điểm 8 trong môn thi này. Thí sinh Dương Anh Đức, học sinh Trường Trung học Phổ thông Trần Phú cho biết, em làm được hơn 90% câu trong đề thi. Hầu hết các bạn trong phòng thi của em đều làm bài rất thoải mái.
Thí sinh Lý Ngọc Tuấn, điểm thi Trường Trung học Phổ thông Hùng Vương, xã Bình An, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) dự đoán: Bài thi môn Ngữ văn em làm được khoảng 70%, môn Toán em làm được khoảng 90%. Cả đề thi Ngữ văn và Toán đều là những kiến thức cơ bản mà các em đã được học trên trường nên em làm bài khá tốt.
Cô Nguyễn Thị Xuân Mai, giáo viên dạy Toán Trường Trung học Phổ thông Trần Phú (Đà Nẵng) nhận xét, đề thi môn Toán bám sát cấu trúc đề thi minh họa đợt 2 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn trước đó. Từ câu 30 đến 40 của đề thi, các thí sinh có thể dễ dàng làm tốt, đối với 10 câu tiếp theo là những câu phân loại học sinh khá giỏi.
Thầy Nguyễn Văn Thảo, giáo viên Toán, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Giang cho rằng: Đề thi môn Toán lần này khá vừa sức với thí sinh, tương đương đề thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đợt 1. Đề gồm 50 câu hỏi phân hóa mức độ từ dễ đến khó, không có quá nhiều câu hỏi đánh đố, vừa đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, vừa đảm bảo được độ phân hóa thí sinh để làm căn cứ xét tuyển cao đẳng, đại học. Thí sinh có lực học trung bình có thể làm được khoảng 5, 6 điểm, học sinh khá sẽ đạt 7 điểm, học sinh giỏi sẽ được khoảng 8,9 điểm.
Thí sinh dự sinh tại điểm trường THPT Tôn Thất Tùng ra khỏi điểm thi sau khi hoàn thành buổi thi đầu tiên. Ảnh: TTXVN
Chỉ có 1/21 thí sinh dự thi tại Hòa Bình
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 (đợt 2) diễn ra ở 1 điểm thi đặt tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Trong số 21 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ có thí sinh Bùi Văn Tú (sinh năm 2001) huyện Tân Lạc (Hòa Bình) dự thi.
Ông Phạm Quốc Hưng, Trưởng điểm thi Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ cho biết: Ngày 3/9, chỉ có duy nhất một thí sinh đến dự thi. Hội đồng đã thực hiện nghiêm túc các quy trình coi thi, đảm bảo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến kỳ thi.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 (đợt 2), tỉnh Hòa Bình có tổng số 21 thí sinh của 8 đơn vị đăng ký dự thi. Các thí sinh này đều là thí sinh tự do, đang là quân nhân đóng quân trong các đơn vị quân đội và đã thực hiện việc cách ly tại các đơn vị để phòng, chống dịch COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng khi dịch tái bùng phát vào tháng 7 vừa qua. Trước khi Kỳ thi diễn ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã liên lạc đến từng thí sinh. Tuy nhiên, có nhiều lý do cá nhân khác nhau nên các em không đến tham dự. Để đảm bảo cho Kỳ thi đạt kết quả cao nhất, Sở chuẩn bị nghiêm túc đảm bảo đủ số lượng nhân sự tham gia coi thi đúng quy chế, hướng dẫn thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bảo đảm an toàn cho kỳ thi và phòng, chống dịch COVID-19
Công tác bảo đảm an toàn cho kỳ thi và phòng, chống dịch COVID-19 được các địa phương quan tâm, thực hiện nghiêm. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh cho các thí sinh, trước khi kỳ thi đợt 2 diễn ra, tất cả các trường được chọn làm điểm thi trên địa bàn tỉnh đều phối hợp với các Trung tâm Y tế địa phương tổ chức phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ điểm thi, bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay, xà phòng, thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, phòng thi dự phòng, y tế học đường, các trang thiết bị thiết yếu. Bên cạnh đó, các trường nghiêm túc thực hiện khai báo y tế đối với học sinh, cán bộ, giáo viên coi thi. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, tất cả các điểm thi diễn ra an toàn, không có bất kỳ sự cố bất thường nào xảy ra.
Trong buổi sáng ngày thi đầu tiên, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục - Đào tạo do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đến kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tại tỉnh Quảng Nam. Sau khi thị sát tại một số điểm thi, ông Mai Văn Trinh đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Kỳ thi và công tác phòng chống dịch COVID-19 đã được bảo đảm an toàn.
Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho thấy ngày thi đầu tiên diễn ra an toàn, không xảy ra sự cố đáng tiếc nào. Buổi thi môn Ngữ văn có 99 thí sinh vắng/10.711 thí sinh đăng ký dự thi; một thí sinh phải cấp cứu, không thể tiếp tục tham gia dự thi. Buổi thi môn Toán có 87 thí sinh vắng/10.952 thí sinh đăng ký dự thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!