Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Phăng Sô Lin thuộc xã Phăng Sô Lin, một địa phương vùng cao khó khăn của huyện biên giới Sìn Hồ có 175 học sinh, 50% trong số đó là ở bán trú. Với số học sinh ở bán trú khá ít ỏi nên để đảm bảo tỷ lệ chuyên cần của học sinh, nhà trường đã chủ động đưa ra các biện pháp khắc phục khó khăn. Thầy giáo Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Phăng Sô Lin cho biết: Ban giám hiệu đã quán triệt đến tất cả các giáo viên chủ động lên danh sách học sinh có nguy cơ bỏ học, qua đó có những biện pháp vận động tích cực, thích hợp với tâm lý học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương trong việc động viên, khuyến khích học sinh đến lớp đều đặn, tổ chức họp phụ huynh và kí biên bản cam kết giữa nhà trường với gia đình học sinh trong việc đảm bảo cho con em ra lớp…
Nhờ việc chủ động, tích cực của nhà trường mà từ đầu mùa đông năm học năm 2015 - 2016, tỷ lệ chuyên cần của trường luôn đạt trên 90%. Chính sự quan tâm của đội ngũ giáo viên và sự động viên khích lệ của gia đình là một trong những yếu tố giúp các em không quản ngại sự khắc nghiệt của thời tiết, quyết tâm ra lớp để lĩnh hội kiến thức. Em Chẻo Mí Lai, dân tộc Dao, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Phăng Sô Lin tâm sự: Thời tiết mùa đông ở đây rất lạnh nhưng hàng ngày, em vẫn đến lớp đầy đủ. Ở gần nhà em cũng có một số bạn đã nghỉ học vì ngại đi lại lúc mưa gió. Các thầy cô đã đến nhà, động viên các bạn đến lớp nên các bạn đã cố gắng để đến trường thường xuyên hơn”.
Là huyện biên giới, Sìn Hồ có 8 xã và 1 thị trấn thuộc khu vực vùng cao chịu ảnh hưởng lớn về giá lạnh khi vào mùa đông. Năm học 2015 – 2016, toàn khu vực có 36 đơn vị trường ở 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với trên 9.000 học sinh. Để đảm bảo tỷ lệ học sinh đến lớp đều, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ đã chủ động triển khai các phương án như: tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trường học trong công tác duy trì sỹ số; giáo viên chủ nhiệm chủ động liên lạc với gia đình học sinh khi thấy học sinh vắng mặt trên lớp để tìm hiểu nguyên nhân... Các trường học áp dụng những biện pháp vận động mềm dẻo, phù hợp, giúp các em tự tin và có tư tưởng để đến lớp; lên kế hoạch học tập xen lẫn các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao để thu hút, tập trung học sinh đến trường. Với học sinh mầm non, sức đề kháng yếu, nhạy cảm với thời tiết, các trường chủ động cho các em sử dụng nước ấm vào những ngày rét đậm cũng như đảm bảo chế độ ăn, tăng khẩu phần ăn dinh dưỡng hợp lý…
Ông Lê Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Do đặc thù miền núi, thời tiết mùa đông tại một số địa bàn vùng cao rất lạnh, gây ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và học tập của học sinh. Để các em yên tâm học tập, nhiều giáo viên đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, vận động phụ huynh học sinh và người dân cùng thường xuyên tu sửa, làm kín lớp học tạm cho học sinh. Các trường học thực hiện bán trú đã đưa ra phương châm là phải giữ ấm, bảo vệ sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. Huyện Sìn Hồ cũng kêu gọi các đơn vị tài trợ, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ vật chất, chăn và quần áo ấm cho học sinh ở các xã khó khăn…. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 95% đối với các trường thuộc khu vực vùng cao của huyện.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, hiện tỉnh có khoảng 6.000 lớp học; trong đó có hơn 1.100 lớp học tạm, gần 200 lớp học mượn nhờ của người dân. Ngành giáo dục Lai Châu mong muốn Nhà nước xem xét bổ sung thêm nguồn vốn để xây dựng những phòng học kiên cố, bán kiên cố, dần xóa bỏ lớp, phòng học tạm nhằm giải quyết những khó khăn cho giáo dục vùng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.