Lội 6 con suối để “gieo chữ” cho học trò vùng biên

Theo Dân trí-Thứ sáu, ngày 17/11/2017 06:00 GMT+7

Những lúc trời mưa gió, nước suối dâng cao các cô phải lội bộ để đến trường.

VTV.vn - Để các em không phải thất học, 3 cô giáo ở điểm trường Khe Nóng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã lội qua 6 con suối để “nuôi chữ” cho học trò nơi đây.

Chúng tôi tìm về điểm trường Khe Nóng vào một buổi sáng sớm. Thời tiết ở đây khá lạnh, sương mù dày đặc phủ trắng cả một vùng trời miền biên.

Cách trung tâm xã Châu Khê khoảng 20km đường rừng. Để đi đến điểm trường này phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ đi xe máy. Con đường đã sạt lở sau trận lũ lụt vừa rồi. Hàng ngày, hàng tuần các cô giáo ở đây phải lặn lội vượt qua 6 con suối để đến trường.

Khe Nóng là một cụm dân cư thuộc bản Châu Sơn, xã Châu Khê. Cụm dân cư này tách biệt với bản chính cách đó 20km. Theo ông Nguyễn Ngọc Luyến - Chủ tịch UBND xã Châu Khê thì đại bộ phận cư dân Khe Nóng là người Đan Lai, 100% người dân đều là hộ nghèo.

Dù đã có 40 hộ dân, chưa thành lập bản nhưng từ hơn 20 năm nay, Khe Nóng đã tồn tại một điểm lẻ trực thuộc trường Tiểu học Châu Khê 2. Hàng năm, một đội ngũ giáo viên vẫn được cắt cử đến giảng dạy cho học trò nơi đây.

Năm học 2017 - 2018, điểm trường Khe Nóng có 22 học sinh từ lớp 1 đến 5 do 3 cô giáo phụ trách.

Trao đổi với PV, thầy Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục huyện Con Cuông cho biết: "Điểm trường Khe Nóng là một trong những điểm trường khó khăn nhất của huyện. Trong những năm qua các thầy cô ở đây vẫn luôn bám trường để "nuôi chữ" cho các em. Khó khăn chồng chất nhưng với tình yêu, trách nhiệm của nghề nghiệp, các thầy cô ở đây luôn hoàn thành nhiệm vụ".

Để vào được Khe Nóng là việc rất khó khăn. Quần cư nằm ở vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát này khá biết lập. Bản gần nhất cách đó 6km, trong đó có 3km là đường rừng, núi. Lội qua 6 khúc suối và những quãng đèo dốc quanh co mới đến bản.

Nhà cô Lương Thị Nội chỉ cách đó 7km, ngay xã Châu Khê. Thế nhưng cô chỉ có thể trở về với gia đình vào cuối tuần. Dù gắn bó với xã biên giới Châu Khê đã hơn 20 năm nay nhưng mỗi lần được phân công dạy ở điểm Khe Nóng là một "nỗi ám ảnh" với cô: "Mỗi lần vượt qua những khúc suối để vào điểm trường là một nhiệm vụ khó khăn. Mỗi lần gặp mưa lớn thì không thể qua được, các học trò và các cô đành bất lực chỉ nhìn nhau qua con nước lớn".

Theo cô giáo Nội, người từng hai lần cắm bản ở điểm trường Khe Nóng, khi có mưa lớn, quần cư này bị cô lập cả tuần liền. "Những ngày mưa lũ, không thể ra ngoài mua thức ăn, bữa cơm chỉ có rau rừng làm món chính", cô Nội chia sẻ thêm.

Với cô Lê Thanh Thủy, lần đầu tiên đến với điểm trường Khe Nóng, những lớp học ghép đã làm cô phân tâm, khó dạy nhưng cô vẫn luôn cố gắng hết mình.

Ở điểm trường này, cô Thủy phụ trách 1 lớp ghép với 2 trình độ lớp 3 và 5. Trong khi đó lớp 3 chỉ có một học trò. Phòng học được bố trí 2 bảng đen và cô giáo phải luân phiên chạy qua lại giữa hai lớp. Tại điểm trường còn có lớp ghép gồm 2 trình độ lớp 1 và 2 do cô giáo Lộc Thị Liên phụ trách.

Khe Nóng hiện giờ đã có 7 em đang theo học ở bậc THCS, còn về hệ đào tạo Mầm non một năm chỉ học tăng cường được mấy tháng để các em kịp nắm bắt kiến thức. Đây là điều chưa từng có ở quần cư xa xôi này. Dẫu vậy thì việc vận động trẻ đến lớp vẫn là một việc vô cùng khó khăn.

Cô Nội cho biết thêm: "Hàng ngày các cô vẫn phải mang kẹo đến "dỗ" một số trẻ cá biệt trở lại lớp. Trước đây 10 năm, bọn mình còn phải đến bế từng đứa các em mới chịu tới lớp", cô giáo Nội nhớ lại.

Chỉ mới cách đây ít hôm, điểm trường này được lắp một hệ thống chiếu sáng từ năng lượng mặt trời và gió từ một tổ chức Hàn Quốc. Trước đó, hàng đêm, các cô giáo tại điểm trường Khe Nóng phải thắp đèn dầu soạn giáo án về ban đêm.

Không có chợ, các cô giáo cải thiện bữa ăn bằng cách trồng thêm rau. Ngoài rau rừng vào những thứ trồng được trong vườn, các cô giáo hoàn toàn phải dựa vào nguồn thức ăn mua từ dân bản còn đối với thịt cá ở đây thật là xa xỉ.

Những tình cảm mộc mạc của học trò và dân bản nơi đây như một ngọn lửa sưởi ấm đối với các giáo viên.

Đã nhiều năm qua, để "nuôi chữ" ở đây các thầy cô giáo đã phải đánh đổi rất nhiều. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề… nhưng với nhiệt huyết, tình cảm của mình các cô giáo ở đây không để các em thất học.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước