- Tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh trên toàn quốc qua sóng truyền hình, thầy có thể chia sẻ suy nghĩ của mình như thế nào khi quay trở lại Chinh phục kỳ thi mùa 2 không?
Năm nay là năm thứ 2 tôi đồng hành cùng Chinh phục kỳ thi, đồng hành cùng các sĩ tử trên khắp mọi miền của cả nước. Tôi rất vui, từ khi tôi còn đi học thì đã thích được đi dạy, thích được đi khắp mọi miền để dạy cho học sinh nghèo. Việc gắn bó với Chinh phục kỳ thi mùa 2 mang nhiều ý nghĩa đối với tôi.
Khi nhận được lời mời của VTV7 để tiếp tục tham gia chương trình, tôi khá hạnh phúc vì sự tin tưởng của chương trình cũng như của đông đảo các em học sinh. Sau mùa đầu tiên, đã rất nhiều em học sinh cũng như bạn bè đồng nghiệp liên lạc, kết bạn với tôi vừa để trao đổi các vấn đề về Hóa học.
Đã có rất nhiều em học sinh chia sẻ là đã tìm lại được hứng thú với việc học tập môn Hóa nhờ xem những video trên Chinh phục Kỳ thi VTV7. Tôi đã lưu lại các video của chương trình, để mỗi khi có học sinh nào có vấn đề chưa hiểu, không có đủ thời gian giảng lại, tôi sẽ chia sẻ cho các em link bài giảng, bài tập tự luyện và các em có thể tự ôn tập khá hiệu quả.
- Chưa đầy một tháng nữa, các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi lớn nhất cuộc đời, thầy có thể chia sẻ tới các bạn một số bí quyết, những lưu ý khi ôn luyện môn Hóa trong thời gian này được không ạ?
Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn luôn là kỳ thi bản lề, đánh dấu mốc trưởng thành của các em, từ người con trong gia đình, được bố mẹ chăm sóc, bảo vệ, nâng niu, thành một người trưởng thành, tự quyết định tương lai của mình. Trong thời gian nước rút này, các em cần ôn tập thật nhanh, lúc này không nên tập trung vào dạng bài tập khó nữa mà nên ôn tập hệ thống hóa lại kiến thức thật chặt chẽ, để vững được lý thuyết, đạt điểm chắc chắn ở 24 câu đầu
Tiếp đó, các em nên tìm kiếm những nguồn đề thi thử tin cậy có độ khó đảm bảo, cấu trúc bám sát các đề thi minh họa, thông thường nên chọn đề các Sở, các trường Chuyên, nơi có các thầy cô uy tín, có phản biện đề cẩn thận, chặt chẽ.
Sau khi làm đề, nếu thấy các dạng bài tập còn chưa vững, có thể tập hợp lại thành một tuyển tập câu hỏi về peptit, este, HNO3, điện phân, nhiệt nhôm… để có thể làm đi làm lại cho quen.
Các câu lý thuyết còn nhầm, ghi lại thành tuyển tập để học cho nhớ. Hệ thống lại mảng kiến thức mình hay nhầm lẫn như: axit – bazo – lưỡng tính, tính oxi hóa, tính khử, quá trình oxi hóa – quá trình khử, so sánh nhiệt độ sôi, tên các chất hữu cơ,…
- Năm nay, đề thi có nhiều thay đổi, Bộ Giáo dục cũng đã đưa ra đề thi mẫu. Thầy nhận xét thế nào về đề thi mẫu năm nay về cấu trúc, độ khó, trọng tâm của đề?
Năm nay có 2 thay đổi lớn nhất. Một là chỉ thi chương trình 12, nên các em phải ôn kỹ, ôn sâu vào từng chi tiết nhỏ trong chương trình 12, đề thi có thể ra vào bất cứ phần nào trong sách giáo khoa, các kiến thức phải ôn tập thật cẩn thận. Thứ 2, thời gian thi rút ngắn lại hơn rất nhiều, thay vì 90 phút 50 câu (1,8 phút/1 câu) thì chỉ còn 50 phút 40 câu (1,25 phút/1 câu). Nhưng thực tế vẫn có tới 24 câu dành cho học sinh thi tốt nghiệp, nên 16 câu còn lại phân hóa rất mạnh. Và đó mới là phần các thí sinh mong có điểm 7, 8 cần phấn đấu.
Ngoài ra, nội dung trọng tâm là Este – lipit; amin – amino axit – peptit – protein; Đại cương kim loại; Kiềm – kiềm thổ - nhôm và Crom – sắt – đồng. Các em phải nắm được các nội dung trọng tâm nhất và các dạng bài cơ bản. Bên cạnh đó, các em cần chú trọng thêm vào các câu có liên quan tới các hiện tượng thực tế, đồ thị, bảng biểu, vì nó là các câu mới có thể làm các em bỡ ngỡ
- Sự thay đổi trong việc ra đề thi có khiến chương trình giảng dạy, ôn thi thay đổi nhiều so với năm trước không?
Thực tế là phần ôn lại môn Hóa học của năm nay nhanh hơn rất nhiều, các thầy cô ở trường phổ thông cũng có thể đi lại chương trình thêm 1 lần nữa để các em học sinh ôn tập được kỹ hơn. Tuy nhiên, cái thay đổi lớn nhất là tốc độ làm bài có được khi các em giải đề thi thật nhiều, các em phải thay đổi toàn bộ thói quen cũ và tập trung rất cao độ. Hơn thế nữa, với lịch thi dày 3 môn Lý – Hóa - Sinh một buổi, các em cũng cần phải có sức khỏe, khả năng tập trung cao trong thời gian dài mà vẫn giữ được hiệu quả học tập cao.
- Có kỷ niệm nào đáng nhớ trong quá trình tham gia Chinh phục kỳ thi mà thầy muốn chia sẻ không?
Trong chương trình Chinh Phục Kỳ thi 2016 tôi đã có rất nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất, trong một lần chữa đề thi THPT Quốc gia, tôi làm việc rất khuya để livestream trực tiếp cùng 2 người bạn nữa. Một trong hai người là thầy Nguyễn Hoàng Sa, giáo viên trường Lương Thế Vinh. Đúng ngày hôm đó, bố của thầy Sa phải phẫu thuật gấp, mặc dù rất bận bịu việc nhà nhưng thầy Sa vẫn cố gắng làm xong trước và quay gấp để vào viện chăm bố. Tôi thấy việc làm đó vì học sinh nên rất cảm kích thầy Sa.
Cũng có một kỷ niệm khác làm tôi nhớ mãi. Có một bạn học sinh gặp tôi và bảo rằng nhờ xem thầy Phi trên Chinh phục kỳ thi mới biết đến Học viện Kỹ thuật quân sự. Bạn ấy bắt xe lên tận Học viện để tìm hiểu và quyết tâm thi ngay vào hệ dân sự. Năm đầu tiên, em ấy đã đạt học bổng nhưng lại quyết tâm xin bảo lưu để thi lại hệ quân sự. Lần nào em ấy cũng hỏi đến thầy, tôi rất hạnh phúc vì mình có thể trở thành một người bạn đồng hành cùng các thí sinh như vậy.
- Là thầy giáo trẻ và rất tâm lý của các em, thầy có lời khuyên gì với các em học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, định hướng trong tương lai?
Thầy giáo trẻ tham gia vào một chương trình giáo dục quốc gia là một áp lực rất lớn, bởi vì có rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, các thầy có nhiều kinh nghiệm trên cả nước nhìn thấy mình, mọi điều mình nói ra, không chỉ có ích cho các em, mà nó còn phải đúng đắn và phù hợp với kiến thức phổ thông. Nhưng tôi biết lợi thế lớn nhất của tôi là rất gần các em, thậm chí hiểu chính xác được cảm xúc mà các em, bởi vì bản thân tôi mới trải qua đó chưa lâu.
Theo tôi, khi chọn nghề nghiệp, các em nên đặt tiêu chí sở trường – năng khiếu lên hàng đầu, các em nên biết thế mạnh của mình là gì, nên biết truyền thống gia đình mình ra sao. Sau đó nên phân tích các vấn đề xã hội, ngành nghề nào hiện nay đang thiếu, ngành nghề nào đang dư thừa, ngành nghề nào sẽ là tương lai.
Cuối cùng, các em hãy chọn nghề nào mà em yêu nhất, em mơ ước nhất từ khi còn bé, nghề đó sẽ làm các em cảm thấy vui mỗi ngày đi làm. Tôi biết có bạn học rất giỏi thi đỗ Y, sau đó học được vài năm lại bỏ Y theo ngành khác vì không thích bị gò bó. Có bạn đỗ những khoa điểm cao nhưng sau này chỉ mải miết đi buôn vì bạn ý thích buôn bán. Chọn nghề quan trọng nhất là chọn thứ gì mình sẽ yêu nó và gắn bó cả đời với nó.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!