Vừa mừng vừa lo, là tâm lý của rất nhiều phụ huynh trong ngày đầu các học sinh lớp 12 tại Hà Nội trở lại trường. Chưa bao giờ trường học Hà Nội lại cửa đóng then cài lâu đến thế! Được đi học - con em chờ đợi, ngóng trông nhưng phụ huynh bối rối, lo âu. Làm thế nào để trường học thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp?
Trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy bố trí phân luồng giãn cách, thực hiện đo thân nhiệt cho học sinh khi vào trường. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Học sinh lớp 12 ở Hà Nội trở lại trường sau 8 tháng nghỉ học
Những ngày qua, các văn bản, quyết sách liên quan tới việc cho học sinh THPT đi học lại cũng liên tục thay đổi để phù hợp với diễn biến dịch.
Kế hoạch toàn bộ học sinh các lớp 10,11,12 ở 30 quận huyện thị xã ở Hà Nội trở lại trường đã được điều chỉnh vào ngày 5/12. Theo đó, ngày 6/12, chỉ có học sinh khối 12 của các trường THPT trên địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 sẽ trở lại trường, nhưng thực hiện phương án giãn cách. 50% số học sinh sẽ đến trường vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Số còn lại đến trường vào ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy.
Học sinh lớp 12, trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy chăm chú nghe giảng khi được tới trường học trực tiếp. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Bên cạnh tâm trạng vui vẻ, háo hức khi được quay trở lại trường, hào hứng với hoạt động học tập trực tiếp trên lớp, các bạn học sinh cũng chủ động tuân thủ các biện pháp phòng dịch theo sự hướng dẫn của nhà trường từ cổng vào đến lớp học. Vị trí từng lớp cũng được nhà trường sắp xếp đảm bảo giãn cách.
Đúng theo quy định của thành phố, trong sáng 6/12, tại Trường THPT Yên Hoà, chỉ có 50% (tương đương 7 lớp 12) đi học trực tiếp tại trường. Vị trí các lớp học được sắp xếp, đảm bảo không liền kề.
7 lớp đi học so le còn lại sẽ học ở các phòng khác, đảm bảo tránh sự tiếp xúc trực tiếp cũng như gián tiếp, phòng tránh dịch bệnh.
Học sinh lớp 12 D8, trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình bước vào buổi học trực tiếp đầu tiên trên lớp. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Vừa đảm bảo công tác phòng dịch khi học sinh học trực tiếp tại trường, vừa duy trì chất lượng giảng dạy trực tuyến đối với các khối lớp còn lại, nhà trường cũng chủ động lên phương án hỗ trợ thầy cô giáo.
Do sẽ có các thầy cô giáo đến trường dạy trực tiếp rồi lại dạy trực tuyến nên nhà trường ngay lập tức triển khai đảm bảo đủ số phòng, đường truyền mạng, để sau khi kết thúc học trực tiếp thì chuyển sang lớp học trực tuyến không bị xáo trộn.
Việc đi học trực tiếp trở lại của khối lớp 12, theo các thầy cô, sẽ giúp các em ổn định tâm lý, nâng cao chất lượng dạy và học, chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng sắp tới.
Tiết học đầu tiên, sau 8 tháng nghỉ học, chỉ sau phần dặn dò nhanh về công tác phòng dịch, các lớp đã bắt đầu ngay việc ôn tập lại kiến thức trọng tâm đã học trong thời gian học trực tuyến.
Quyết định điều chỉnh đối tượng học sinh trở lại trường của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cho thấy sự cân nhắc thận trọng của ngành giáo dục Thủ đô trong bối cảnh này. Bởi lẽ, đưa con tới trường trong thời điểm này, vừa mừng vừa lo cũng là tâm lý chung của các phụ huynh.
Nỗ lực phòng dịch khi học sinh đi học lại
Giải tỏa tâm lý này cho người dân, trong 2 ngày cuối tuần, ngành giáo dục Hà Nội đã cấp tập chuẩn bị mọi điều kiện chu đáo nhất để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường. Kinh nghiệm từ những lần mở cửa trường trước đã giúp các trường hoàn thiện quy trình phòng dịch trước, trong và sau khi học sinh đến trường.
Học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình được đo thân nhiệt trước khi vào trường. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Xác định chỉ bằng cách chuẩn bị kỹ mới giảm bớt lo âu nên ngay cả những tình huống xấu nhất cũng được các nhà trường dự phòng. Ngay sau khi có hướng dẫn phương án xử lý nếu có F0 trong trường học, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã lập tức tổ chức tập huấn trực tuyến cho toàn bộ giáo viên, học sinh.
Đón học sinh trở lại trong tình hình mới, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng bổ sung thêm nhiều quy định mới so với lần mở cửa trước đó như quy định một cung đường 2 điểm đến hay thay đổi thời gian bắt buộc đeo khẩu trang.
Đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà các các quận, huyện, thị xã cũng phải xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước thành phố.
Học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Quyết tâm đưa học sinh trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng dịch nhưng Hà Nội vẫn linh hoạt điều chỉnh kế hoạch trước tâm lý băn khoăn lo ngại của phụ huynh. Bởi lẽ, việc mở cửa trường có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều và sự chung sức của các gia đình.
Trong ngày 6/12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ thành lập 15 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các nhà trường. Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, các đoàn kiểm tra sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các giải pháp phòng chống dịch.
Kinh nghiệm đi học an toàn tại vùng xanh của Hà Nội
Tại các huyện ngoại thành Hà Nội, học sinh lớp 9 đã trở lại trường học trực tiếp được nhiều tuần nay. Hay như tại huyện Ba Vì, huyện đầu tiên của thành phố cho học sinh đi học trở lại, mọi hoạt động dạy và học vẫn được đảm bảo.
Theo đánh giá, các trường đều duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, học sinh có ý thức học tập và tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Đây là kinh nghiệm cho các trường cũng như ngành giáo dục khi hướng tới việc dạy và học trực tiếp trở lại với các cấp học khác.
Giờ ra chơi của học sinh trường THCS Thanh Cao, huyện Thanh Oai, 4 lớp được phân chia tại các khu vực vui chơi riêng biệt. Khoảng cách là tiêu chí được nhà trường đặt ra đầu tiên cần phải tuân thủ khi học sinh quay trở lại trường. Ý thức phòng dịch cũng được thầy cô nhắc nhở học sinh mỗi ngày. Khai báo y tế cũng là biện pháp phòng dịch được các trường triển khai hàng ngày.
Tại một trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, trước mỗi ngày học, yếu tố dịch tễ của từng học sinh cũng như gia đình đều phải được cập nhật theo lớp, đảm bảo loại bỏ các nguy cơ về dịch bệnh khi giảng dạy trực tiếp tại trường.
Theo các trường, việc phối hợp chặt chẽ với gia đình là yếu tố quan trọng trong công tác phòng dịch. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để trường học an toàn thì mỗi gia đình cũng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Theo các chuyên gia y tế, nhà trường cũng cần lên sẵn phương án xử lý khi xuất hiện các trường hợp F0, F1. Dù ở trường hay ở nhà, tình hình sức khỏe của mỗi học sinh cũng như thầy cô cần được theo dõi sát sao, kịp thời ứng phó với những tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!