Nan giải tình trạng thiếu giáo viên ở Thanh Hóa
"Lớp treo" là từ mà các các giáo viên tiểu học ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa sử dụng để chỉ những lớp thiếu giáo viên chủ nhiệm. Với những lớp như vậy, trường buộc phải phân công giáo viên chủ nhiệm lớp khác kiêm thêm, tức là 1 giáo viên chủ nhiệm tới 2 lớp, một lớp sáng một lớp chiều.
Cô giáo Hàn Thị Thanh (Trường Tiểu học Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) cho biết: "Chúng tôi vất vả vô cùng, không ngày nghỉ, ốm hay nhà có việc cũng không nghỉ được vì không có ai thay. Không có thời gian sinh hoạt chuyên môn, đầu tư mà soạn giáo án. Mà giờ cũng chưa được trả tiền dạy lớp treo của mấy năm trước nhưng thôi yêu địa phương yêu trường lớp chúng tôi vẫn làm".
Đó là những gì diễn ra vào năm ngoái. Vấn đề là dạy lớp treo như vậy không xoay đâu ra kinh phí để trả tiền dạy tăng giờ cho giáo viên. Vì vậy năm nay, Trường Tiểu học Trường Lâm phải có hướng xử lý khác. 3 lớp: 4E, 4G và 4H nhưng chỉ có 2 giáo viên chủ nhiệm. Các học sinh buộc phải học dồn thành 2 phòng học. Vậy là, 1 phòng học bị bỏ trống trong khi 2 phòng còn lại thì chật chội. Số lượng học sinh/lớp gấp rưỡi quy định của tỉnh.
Trường Tiểu học Hải Thượng vì quá thiếu giáo viên nên từ đầu năm học đến nay, Ban giám hiệu đã phải dạy học với số tiết vượt nhiều so với quy định. Thậm chí 2 tháng đầu năm học, toàn bộ các thành viên Ban giám hiệu trường đều phải kiêm thêm công tác chủ nhiệm.
Không riêng thị xã Nghi Sơn, các khu vực khác của tỉnh Thanh Hóa cũng trong tình trạng tương tự. Tỉnh này hiện thiếu gần 5.800 giáo viên. Trong đó: Khối tiểu học thiếu nhiều nhất, tới hơn 3.000 giáo viên.
Thành phố Hải Phòng cũng đang đứng trước nhiều khó khăn do tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là môn Tin học, môn học chuẩn bị được triển khai bắt buộc ở lớp 3. Nếu không sớm giải quyết, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới sẽ gặp khó.
Máy tính để hỏng vì thiếu giáo viên Tin học
Mọi lớp học đều mở cửa, chỉ có Phòng Tin học của Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng vẫn còn đóng kín. Mấy năm trước, trường được trang bị 2 phòng máy tính. Nhưng vì không có giáo viên, nên máy để lâu bị hỏng, giờ dồn vào chỉ còn 1 lớp. Nhưng 1 lớp thì cũng vẫn phải bỏ không vì chưa có giáo viên.
Trên thực tế, rất nhiều học sinh có nhu cầu về môn Tin học nhưng nhiều trường không tổ chức dạy được vì chỉ tiêu biên chế không có. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, cô Hồng đã làm giáo viên hợp đồng 13 năm nay. Là giáo viên hợp đồng, 3 tháng hè tất yếu cô không có lương. Dù vậy, hàng năm cô vẫn đang đảm trách nhiệm vụ đào tạo học sinh giỏi đi thi cấp thành phố, cấp quốc gia và đều có giải.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh sẽ bắt buộc buộc học Tin học và tiếng Anh từ lớp 3. Có nghĩa là: đội ngũ giáo viên 2 môn này cần được các địa phương bổ sung để sẵn sàng dạy học từ năm 2023. Thế nhưng tính đến cuối năm 2020, trên cả nước thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học, hơn 5.000 giáo viên ngoại ngữ ở bậc tiểu học.
Toàn quốc thiếu 95.000 giáo viên
Hiện toàn quốc thiếu 95.000 giáo viên, gần một nửa trong số đó là giáo viên mầm non. Bậc tiểu học thiếu 21.000 giáo viên. Trung học cơ sở thiếu 15.000. THPT thiếu 11.000.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là việc tăng quy mô dân số ở nhiều vùng trong khi công tác chuẩn bị về đội ngũ ở các địa phương chưa kịp thời. Hầu hết các địa phương không được giao bổ sung biên chế giáo viên, cũng không có kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng ngoài biên chế trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế. Việc phối hợp giữa ngành Nội vụ, ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên ở một số địa phương hiện chưa chặt chẽ, thống nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!