Ảnh minh họa. (Nguồn: baocongthuong.com.vn).
Ngày 4/11, tại Trà Vinh, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, tổ chức UNICEF Việt Nam và Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc Khmer tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Gần 100 đại biểu là các chuyên gia quốc tế, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ quản lý giáo dục dân tộc thiểu số thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Triệu Thị Nái cho biết, tiếng Khmer hiện đang được giảng dạy tại 9 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, với số lượng học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở hơn 70.100 học sinh. Những năm qua, chất lượng dạy và học tiếng Khmer đã từng bước được nâng cao, học sinh ngày càng yêu thích môn học tiếng Khmer.
Tuy vậy, việc dạy và học tiếng Khmer đang bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu “dạy tốt, học tốt tiếng Khmer” để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những “rào cản” lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Khmer hiện nay là: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; sách giáo khoa tiếng Khmer do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chưa đồng bộ và đảm bảo tính liên tục ở các cấp học, hiện vẫn chưa có bộ sách giáo khoa mới dành cho học sinh trung học phổ thông, thiếu sách tham khảo cho học sinh và giáo viên,…
Tại hội nghị các chuyên gia, nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên. Theo đó cần nhanh chóng rà soát về nhu cầu và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer ở từng tỉnh, thành phố hiện nay để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kịp thời. Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm lập đề án trình Chính phủ việc tổ chức chỉnh lý sách giáo khoa tiếng Khmer bậc tiểu học, trung học cơ sở và biên soạn sách giáo khoa tiếng Khmer bậc trung học phổ thông. Bên cạnh đó tăng cường sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng cho yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Khmer; xây dựng trường điểm thực hành học 2 buổi/ngày cho học sinh dân tộc Khmer để tăng cường khả năng học, giao tiếp bằng tiếng Việt.
Hiện nay, cả nước chỉ có duy nhất Trường Đại học Trà Vinh thực hiện đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học chuyên ngành về Văn hóa Khmer Nam bộ, Ngôn ngữ Khmer, Sư phạm Ngữ văn Khmer Nam bộ. Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh liên kết với Trường Đại học Trà Vinh để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Khmer, đảm bảo thực hiện được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.