Nên chọn bằng cấp để ra trường có việc làm lý tưởng hay chọn đi làm ngay?

PV-Thứ tư, ngày 22/03/2023 16:25 GMT+7

VTV.vn - Trước những luồng thông tin tư vấn hướng nghiệp độc hại trên MXH trước mùa tuyển sinh, các bạn học sinh sẽ băn khoăn chọn ngành gì, trường gì, chọn bằng cấp hay việc làm?

Hoang mang trước clip hướng nghiệp độc hại trên TikTok

Mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2023 đã chính thức khởi động với nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh tư vấn hướng nghiệp sôi nổi. Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Hà Nội với quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội thu hút hàng nghìn học sinh, phụ huynh tham gia cho thấy sức nóng của mùa tuyển sinh năm nay.

Trước đó, theo một cách "không chính thống", trên MXH cũng ngập tràn các Tiktoker kiêm tư vấn viên nghề nghiệp.

"Lướt TikTok một lúc, mình có thể xem được 5-6 video hướng nghiệp độc hại", bạn Nguyễn Lan Anh - học sinh tại một trường THPT tại Hà Nội thốt lên khi được phóng viên Kênh 14 hỏi về những nội dung trên TikTok mà cô bạn thường xem được trong một ngày.

Nên chọn bằng cấp để ra trường có việc ‘ngon’ hay chọn đi làm ngay? - Ảnh 1.

Trên mạng xã hội hiện nay, xuất hiện nhan nhản các clip hướng nghiệp với dạng content hướng nghiệp một chiều.

Điều đó quả thực không sai bởi trên MXH hiện nay, xuất hiện nhan nhản các clip hướng nghiệp với dạng nội dung như: Top những ngành học "vô dụng" nhất Việt Nam, những chuyên ngành học ra trường chắc chắn thất nghiệp... Có thể nói, đó hoàn toàn là những thông tin hướng nghiệp "độc hại", chỉ dựa trên quan điểm cảm tính cá nhân mà không có sự xác thực.

Việc tiếp xúc với các clip hướng nghiệp như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định chọn ngành chọn nghề của Lan Anh. Đặc biệt là khi những ngành thường được xếp vào danh sách các "ngành học vô dụng" như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing... đều là những nguyện vọng dự kiến đăng ký của nữ sinh.

Khi xem phải những clip hướng nghiệp một chiều như vậy, đã có lúc cô bạn nghĩ: "Mình có nên thay đổi sang ngành học khác hay không". Vì Lan Anh cũng như vô số bạn trẻ khác đều ôm tâm lý... sợ: Sợ ra trường sẽ không kiếm được việc làm, sợ tấm bằng của mình sẽ "vô dụng" như lời phỏng đoán, sợ bản thân sẽ không phù hợp với ngành học đó... Áp lực học tập một thì nỗi lo lắng về việc chọn ngành, chọn nghề trong Lan Anh chiếm đến mười.

Đưa ra chính kiến rõ ràng hơn, khi chia sẻ với phóng viên VTV, em Đỗ Ngọc Nhi - học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Gia Lâm, Hà Nội cho hay: "Có nhiều ý kiến đa dạng trên TikTok nhưng một số người đi làm thì lại bỏ học đại học nên nhiều quan điểm không đúng. Em sẽ bỏ qua, em nghe theo lập trường của mình".

Hiện nay, mạng xã hội thu hút giới trẻ rất mạnh mẽ nhưng không phải thí sinh nào cũng tìm đến những kênh này để tìm hiểu về các ngành học và các trường đại học. Nhiều bạn trẻ đã rất có ý thức phải kiểm chứng và chọn lọc thông tin.

Chọn việc làm hay chọn bằng cấp?

Các chuyên gia đều cho rằng, sở dĩ các clip hướng nghiệp này được quan tâm như vậy dù là hướng nghiệp độc hại cực đoan là bởi sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bức tranh việc làm dành cho người trẻ không mấy sáng sủa. Bên cạnh chọn ngành học theo đam mê, chọn ngành học theo năng lực, truyền thống gia đình… thì tiêu chí việc làm đang được hầu hết bạn trẻ đặt lên hàng đầu.

Chọn ngành, chọn trường học sao cho khỏi thất nghiệp luôn là câu hỏi nóng của mùa tuyển sinh. Hiện nay có hai luồng quan điểm: Một là chọn bằng cấp: bằng cấp tốt sẽ có công việc tốt; hai là chọn việc làm: Được đào tạo tốt sẽ tìm được công việc ngay và luôn sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic nhìn nhận: "Tôi cho rằng, có hai luồng thông tin có thể lan truyền trên MXH một cách nhanh chóng đó là nỗi sợ hãi và sự tức giận. Các TikToker kể trên đang biết cách khai thác cả sự sợ hãi, băn khoăn của các sĩ tử, cũng như sự tức giận của công chúng phản đối quan điểm trên. Với thời lượng chỉ khoảng vài chục giây như vậy, các clip có thể đưa ra những thông tin gây sốc. Và với các bạn trẻ không có bản lĩnh, điều này có thể gây hoang mang, lo lắng".

Nên chọn bằng cấp để ra trường có việc ‘ngon’ hay chọn đi làm ngay? - Ảnh 2.

Thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, có hai luồng thông tin có thể lan truyền trên MXH một cách nhanh chóng đó là dựa trên nỗi sợ hãi và sự tức giận.

Đồng quan điểm, chị Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search đặt vấn đề: "Tôi tự hỏi các Tiktoker trên đã dựa trên số liệu thống kê nào, đã phỏng vấn bao nhiêu giám đốc nhân sự hay nhà tuyển dụng để nói bằng đại học của những chuyên ngành đó là vô dụng.

Ngoài ra, câu chuyện về cô gái nộp 800 hồ sơ xin việc nhưng đều bị từ chối có thể liên hệ đến câu chuyện của Jack Ma. Ông ấy đã từng nhiều lần xin dự tuyển vào Đại học Havard nhưng đều bị từ chối, hàng chục lần xin việc nhưng cũng không được chấp nhận. Liệu điều đó có nói lên được sự thành công hay thất bại của Jack Ma. Chúng ta không thể nhìn một câu chuyện phiến diện để đưa ra quan điểm của toàn xã hội".

Khi được hỏi quan điểm nên chọn bằng cấp hay chọn việc làm, thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã lựa chọn ‘việc làm’. Theo lý giải của thầy Thành, điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là tất cả đều phải có việc làm, để nuôi sống bản thân, gia đình và cống hiến những điều tốt đẹp cho địa phương, xã hội.

Thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic: Nếu đáp ứng được 3 yêu cầu là đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội thì việc làm sẽ đến với các em như một điều tất yếu".

"Chúng ta có thể có những ước mơ lớn, muốn vào những trường danh giá trên thế giới như Đại học Havard, Học viện Công nghệ Massachusetts... hay những trường nổi tiếng tại Việt Nam. Không ai ngăn cản ước mơ tuy nhiên các em cần xem lại liệu có đúng với đam mê của mình không, năng lực có phù hợp với ước mơ đó không, và nhu cầu xã hội có cần thiết với các ngành học đó".

"Các em thế hệ Gen Z bây giờ rất nhanh nhạy với môi trường số. Nhiều bạn trẻ có thể kiếm tiền dễ dàng trên MXH. Tuy nhiên, chúng ta đều phải thừa nhận, trong số 1.000 người thì chỉ 1 người có thể làm được như vậy. Do đó, các em không nên lơ là việc học, hãy học để có nghề nghiệp. Các em hãy nên theo dõi nguồn tin chính thống để có được thông tin chính xác. Thầy tin rằng, việc làm sẽ giúp các em mở ra cánh cửa cho tương lai", thầy Thành nhắn nhủ.

Trong khi thầy Vũ Chí Thành chọn ‘việc làm’ thì chị Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search lại nghiêng về lựa chọn ‘bằng cấp’. Chị Lan dẫn chứng: "Ở các nước phát triển, 20% số người tham gia lực lượng lao động có bằng Đại học. Tại quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, con số này là 35%. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện tại, chỉ 12% số người lao động có bằng Đại học".

Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng trên 6,5%/năm, và để đạt được thì cần đầu tư vào nguồn nhân lực, đặc biệt là giáo dục đào tạo có trình độ cao.

Nên chọn bằng cấp để ra trường có việc ‘ngon’ hay chọn đi làm ngay? - Ảnh 4.

Chị Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search cho biết, ở Việt Nam hiện tại, chỉ 12% số người lao động có bằng Đại học.

Chị Lan nêu ví dụ, các doanh nghiệp FDI trước đây thường thuê nhân công giá rẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, xu hướng này chuyển dịch sang nhân công có chất lượng kỹ thuật cao, tốt nghiệp đại học.

"Ở phía doanh nghiệp tuyển dụng, họ yêu cầu nhân lực có bằng cấp, tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng; có bằng nghề chuyên biệt theo mảng của họ; và kinh nghiệm làm việc. Với các bạn sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, việc tuyển dụng dựa chủ yếu vào bằng cấp. Doanh nghiệp cần các trường chứng nhận rằng các sinh viên có năng lực, có chuyên môn, kiến thức nhất định liên quan đến ngành nghề tuyển dụng. Ngoài chuyên môn thì các sinh viên cũng đã được đào tạo kỹ năng mềm và đây là điều các doanh nghiệp cần", chị Lan chia sẻ.

Chị Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Navigos Search: Đối với sinh viên ra trường, mức lương sẽ cao hơn mặt bằng chung của xã hội.

Ở góc độ các bạn trẻ start up trên mạng xã hội, anh Phùng Thái Học - Founder & CEO TAT Academy đưa ra quan điểm về việc chọn việc làm hay chọn bằng cấp khi cho rằng, dù thế nào cũng vẫn quyết định học đại học.

Kể về câu chuyện học đại học của mình, anh Học nói: "Trước đây, tôi chọn Học viện Ngân hàng chỉ bởi vì… gần nhà. Khi đó, thông tin hướng nghiệp không có nhiều, không ai định hướng. Tôi còn nhớ, tôi muốn học Khoa Tài chính ngân hàng nhưng do điểm số không cao nên bất đắc dĩ ‘đành’ học khoa Quản trị kinh doanh. Với nhiều người và thậm chí cả bản thân tôi cũng cho là đó là ngành học chung chung, ‘vô lý’ vì học xong đâu thể ra làm sếp. Nhưng rồi, sau khi ra trường, bắt đầu làm thuê, làm kinh doanh và giờ đây là làm chủ, nhìn lại thì tôi thấy quá trình học tập không có gì thừa cả. Tất cả kiến thức đều giá trị và chỉ khi đi làm mới nhận ra".

Nên chọn bằng cấp để ra trường có việc ‘ngon’ hay chọn đi làm ngay? - Ảnh 6.

Anh Phùng Thái Học - Founder & CEO TAT Academy khẳng định, dù thế nào cũng vẫn quyết định học đại học.

"Nếu được chọn, tôi vẫn chọn học đại học, và thậm chí tôi sẽ học thật đam mê, hiệu quả hơn. Nếu không học đại học, tôi vẫn sẽ làm được như ngày hôm nay nhưng chắc chắn tầm nhìn của tôi sẽ không thể bằng", anh Học khẳng định.

Trong khi đó, anh Duy Muối - CEO & Founder DC Media lại cho rằng, trong suốt quá trình học tập ở trường, anh chỉ đam mê biên tập video và chụp ảnh nên chỉ học tốt nhất môn này.

Cựu sinh viên FPT Polytechnic cho biết: "Và khi ra trường, làm việc với những người nổi tiếng về sáng tạo video, tất cả đều bắt nguồn từ suy nghĩ trải nghiệm khi ngồi ghế giảng đường Cao đẳng. Ngay từ đầu em đã không chọn học Đại học. Tuy nhiên, nếu không học tại Cao đẳng FPT Polytechnic thì em không có cơ hội phát hiện ra môn học yêu thích và để ra đời có công việc như hôm nay. Các bạn trẻ nên có một trải nghiệm ở trong trường Cao đẳng/Đại học!".

Nên chọn bằng cấp để ra trường có việc ‘ngon’ hay chọn đi làm ngay? - Ảnh 7.

Anh Duy Muối - CEO & Founder DC Media cho rằng, khi làm việc với những người nổi tiếng về sáng tạo video, tất cả đều bắt nguồn từ suy nghĩ trải nghiệm khi ngồi ghế giảng đường.

Qua những ý kiến chia sẻ, có thể thấy, các bạn học sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nên quan tâm cả bằng cấp lẫn việc làm, trong đó nên chọn học trường nào, ngành gì vừa có bằng, vừa có việc. Bằng Cao đẳng hay chứng chỉ nghề nghiệp cũng là sự lựa chọn tốt, phù hợp với các năng lực, điều kiện của rất đông bạn trẻ. Đôi khi, các bạn không nên chỉ chạy theo mác ‘đại học’ để rồi tốt nghiệp không kiếm được việc, hay đừng vội vàng kiếm tiền mà bỏ qua học hành cơ bản.

Lời khuyên từ các chuyên gia giáo dục hữu ích dành cho các bạn trẻ đó là nên học thật, thi thật và không quay lưng với bằng cấp. Sau khi tốt nghiệp, các bạn nên sớm có việc làm, công việc đáp ứng được với nhu cầu thị trường. Trên thực tế, nhiều bạn trẻ vẫn có thể theo đuổi con đường học vấn sau khi đi làm.

"Không phải các bạn chọn bằng cấp hay chọn việc làm mà bằng cấp hay việc làm, cái gì sẽ chọn bạn. Chúc các bạn sĩ tử năm nay có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành học, trường học. Hy vọng các bạn sẽ chọn Trường Cao đẳng FPT Polytechnic và trường cũng sẽ chọn các bạn!", thầy Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic gửi lời chúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước