Theo ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo của Đại học Hà Nội, trường chỉ đặt ngưỡng điểm nhận hồ sơ ở mức 15 điểm. Theo đó, tất cả những thí sinh đạt từ điểm sàn của Bộ trở lên ở các tổ hợp môn trường xét tuyển đều có thể nộp hồ sơ.
“Mọi năm, trường dựa trên điểm số của thí sinh dự tuyển vào trường để đưa ra ngưỡng điểm chuẩn. Tuy nhiên, năm nay các trường đại học sẽ thụ động hơn do thí sinh đăng ký sau khi có điểm. Vì thế, Đại học Hà Nội quyết định để ngưỡng 15 điểm, bằng điểm sàn”, ông Hạnh lý giải.
Cũng theo ông Hạnh, trường sẽ lấy điểm từ trên cao xuống thấp nên điểm trúng tuyển chắc chắn sẽ cao hơn ngưỡng này.
Ngay cả các trường nhóm trên cũng đặt ngưỡng điểm khá khiêm tốn như Đại học Kinh tế quốc dân nhận hồ sơ của thí sinh đạt từ 17 điểm, mặc dù điểm chuẩn của trường này những năm trước đây luôn ở ngưỡng từ 20 điểm trở lên. Tương tự, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng đặt ngưỡng xét tuyển từ 17 điểm.
Theo ông Lê Hữu Lập, đại diện phát ngôn của trường, điểm chuẩn của Học viện các năm trước khá cao nhưng do năm nay, trường không chủ động được nguồn tuyển nên cần một giải pháp an toàn hơn. Tuy nhiên, ông Lập cũng cho rằng khi lấy điểm từ trên cao xuống, để trúng tuyển, thí sinh phải đạt từ 20 điểm trở lên.
So với hai trường trên, điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội cao hơn.
Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tính bình quân số điểm của mỗi môn là 6 điểm. Theo đó, điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 18 điểm với tổ hợp ba môn thi và 24 điểm với những ngành có một môn nhân hệ số 2.
Tới thời điểm này, Đại học Ngoại thương là một trong số ít những trường có ngưỡng điểm nhận hồ sơ khá cao với 22 điểm khối A, 20 điểm ở khối A1 và khối D. Tổ hợp môn có nhân hệ số hai môn Ngoại ngữ là 28 điểm.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ ngày 1/8, các trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.