Nhìn lại ngành giáo dục năm 2023: "Tìm đường" bứt phá!

Đỗ Hòa-Thứ hai, ngày 29/01/2024 16:03 GMT+7

VTV.vn - Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, chuẩn bị bước sang năm mới, chúng ta hãy cùng nhìn lại những điểm nhấn đáng chú ý của ngành giáo dục.

Đặt những câu chuyện về giáo dục năm 2023 trong hành trình "tìm đường" bứt phá bởi, năm vừa rồi là dấu mốc 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Một thập kỷ đi qua, giáo dục đã có những đổi thay thành hình nhưng cũng có những đổi mới - chỉ đang manh nha. Và phải thừa nhận là vẫn còn đó những câu chuyện chưa vui, những vấn đề bất cập chưa thể giải quyết, cho dù nó có thể chỉ là một vài con sâu làm rầu nồi canh.

Để xử lý các vấn đề bất cập vẫn tồn tại của ngành giáo dục, sự kiên trì, kiên định là rất cần thiết. Trong năm 2023, bên cạnh những khó khăn, bất cập, đã có những chính sách mới được đưa ra và đang dần hiện thực hóa. Phóng viên đã cuộc phỏng vấn nhanh với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về câu chuyện này.

"Năm 2023 vừa qua là năm mà ngành giáo dục tích cực vượt qua khó khăn thử thách. Đấy là năm mà chúng tôi đề xuất nhiều chính sách và chính sách đó đã được chia sẻ và hiện thực hóa. Đây là năm tiếp tục đổi mới chương trình GDPT 4,8,11, chuẩn bị cho lớp 5,9,12. Đề xuất điều chỉnh tăng phụ cấp cho tiểu học, mầm non. Hiện nay, Bộ Nội vụ chia sẻ, hi vọng thời gian tới sẽ được triển khai trong thực tế" - ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Vì sự khó khăn cấp thiết trong chính đời sống của cô thầy mà năm qua, lần đầu tiên một cuộc đối thoại, chia sẻ trực tiếp của người đứng đầu ngành giáo dục với 1,6 triệu giáo viên đã được tổ chức. Những tâm tư, nguyện vọng của người thầy, người cô được lắng nghe, ghi nhận. Và dù các chính sách mới chưa thể ngay lập tức có hiệu quả nhưng là động lực cho thầy cô thêm vững tâm, vững bước trong hành trình trồng người.

Nỗ lực thay đổi chính sách đãi ngộ cho giáo viên  

Trong 3 năm học gần đây, hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc. 

Chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống, một bộ phận không nhỏ giáo viên đã phải gạt đi nước mắt, từ bỏ nghiệp cầm phấn, đi làm tự do, xuất khẩu lao động, hay làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Ngoài ra, năm 2023 thống kê ra thì cả nước thiếu hàng chục nghìn giáo viên. Chính vì thế, năm tới, sẽ có thêm gần 28 nghìn biên chế giáo viên phục vụ cho dạy học chương trình mới. Việc tuyển dụng sẽ bắt đầu từ năm 2024.

Nhiều áp lực từ xã hội, sự kỳ vọng của phụ huynh, rồi áp lực từ chính bản thân mỗi người giáo viên, đã khiến nhiều người muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi, bằng lý do nào đó, nhiều giáo viên đã vượt qua để bước tiếp trên hành trình khó khăn và thử thách này.

Đổi mới khảo thí từ năm 2025

Cuối năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho hơn 3500 giáo viên toàn quốc về khảo thí, được thực hiện bởi viện khảo thí giáo dục của Mỹ.

Đây là lực lượng nòng cốt giúp xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo chương trình mới.

Thầy giáo Vương Thanh Hải, Bộ môn Vật lý, Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho hay: "Đợt tập huấn này có thể nói là đợt tập huấn sâu, rộng và quy mô nhất từ trước tới nay".

"Cho nên trách nhiệm của giáo viên cũng rất nặng nề, là phải bồi dưỡng cho các con kiến thức tốt ngay từ lớp 10, tích lũy quá trình dài 11-12 để các con có lựa chọn đúng đắn cho môn thi tốt nghiệp của mình", bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.

Thầy giáo của những kỷ lục và điều hơn thế…   

Thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, đã 2 lần đạt kỷ lục tâng bóng và được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận. Điều ý nghĩa hơn là sau đó, người thầy này đã kêu gọi cộng đồng cùng giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tình yêu thể thao cũng lan tỏa tới nhiều đứa trẻ trong trường.

Rèn thói quen đọc sách là một trong những khởi xướng của người đứng đầu nhà trường. Mong muốn bằng những trang sách, có thể tạo cảm hứng cho người dạy và trau dồi văn hóa đọc cho các em học sinh.

Hành trình xây dựng trường học hạnh phúc chưa bao giờ dễ dàng. Khi người hiệu trưởng biết lắng nghe, các thầy cô giáo sẽ có động lực để thay đổi, tạo nên một môi trường giáo dục đầy nhân ái.

Năm 2023 đã để lại dấu ấn với thầy Đào Chí Mạnh. Thầy Mạnh là đại diện Việt Nam duy nhất được nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Gusi. Đây là một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu ở Châu Á.

Khó khăn còn nhưng năm 2023 cũng là một năm đầy sôi động của thầy trò các trường học trên cả nước. Việc xây dựng trường học hạnh phúc như ở ngôi trường của thầy Đào Chí Mạnh cũng đang là hành trình hướng tới của tất cả các ngôi trường trong cả nước hiện nay.

Nhiều chương trình dự án nhằm thay đổi môi trường giáo dục trong nhà trường theo chương trình GDPT mới đã được triển khai, đặc biệt là vai trò của người cầm lái là hiệu trưởng rất quan trọng. Tháng 1/2024, đã có 15 nghìn hiệu trưởng của 50 tỉnh thành đã hoàn thành khóa học gieo mầm hạnh phúc do quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam phối hợp triển khai. Khi người đứng đầu trường học nhận thức và ứng xử khéo léo, đặc biệt là trước những phát sinh tiêu cực trong trường học như bạo lực học đường, thì khi đó, ngôi trường sẽ thực sự là nơi khởi nguồn niềm vui và kiến tạo tri thức cho mỗi học sinh.

Hành trình tìm đường bứt phá vẫn tiếp tục. Đổi mới không phải việc hôm nay, ngày mai mà là quá trình đầy thử thách cho hàng triệu giáo viên và học sinh trong cả nước. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước