Gần nửa năm kể từ khi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chuyển giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, có một sự thay đổi nhanh chóng, đó là thí điểm mô hình trường nghề tự chủ hoàn toàn. Theo hướng này, việc đào tạo được gắn kết chặt chẽ với nhu cầu xã hội, các trường nghề được quyền tự quyết trở nên linh hoạt hơn và tình trạng thiếu chỉ tiêu tuyển sinh đã không còn.
Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM là một trong ba trường thí điểm việc tự chủ hoàn toàn. Đó là tự chủ kinh phí, tự chủ giảng dạy và tự chủ quản lý. Nhờ vậy trường đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, số học viên đã lên tới 5.000 người.
Theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã có sự thay đổi nhanh chóng, đặc biệt ở 3 trường được thí điểm tự chủ hoàn toàn. Nhà nước đã không còn phải bao cấp ngân sách mà hoạt động giáo dục nghề nghiệp lại đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Cơ chế đã giúp sức và là động lực để các trường mạnh dạn quyết định để tồn tại và phát triển. Thậm chí, các trường còn có thể vay vốn ngân hàng để đầu tư cơ sở vật chất.
Tự chủ đào tạo nghề theo hướng gắn với thị trườngl à một mô hình mới ở Việt Nam nhưng đây là giải pháp chính để giải quyết thực trạng thừa thầy thiếu thợ hoặc ra trường phải qua đào tạo lại vốn phổ biến trước đây. 3 trong tổng số 500 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp là con số còn ít nhưng chỉ sau gần nửa năm triển khai cho thấy: đây có thể là giải pháp cho đào tạo nghề của Việt Nam thời gian tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!