Những vấn đề nổi bật của nền giáo dục Việt Nam trong năm 2015

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 26/12/2015 06:34 GMT+7

VTV.vn - Năm 2015 có thể coii là năm lĩnh vực giáo dục để lại nhiều dấu ấn với hàng loạt đổi mới trong tất cả các cấp học, bậc học.

Nếu ví đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là một "trận đánh lớn" thì có thể thấy, "trận đánh" này đang diễn ra trên khắp mọi hướng, với mục tiêu căn bản là chuyển từ một nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang mô hình phát triển năng lực người học. Thay vì chú trọng dạy học để lấy kiến thức, điểm số, lấy bằng cấp, kết quả thi; các chính sách, phương pháp, mô hình giáo dục đều đang từng bước giảm dần áp lực thi cử, giảm khối lượng kiến thức trong chương trình, thí điểm các hoạt động nâng cao năng lực, tư duy và khả năng vận dụng kiến thức để học sinh giải quyết các vấn đề trong thực tế.

Để đạt được điều này, cần cả một quá trình đổi mới lâu dài và đồng bộ. Nhưng, năm 2015 có thể coi là năm tạo nền tảng quan trọng để ngành giáo dục có thể triển khai những việc cụ thể tiếp theo. Làn sóng đổi mới trong giáo dục đã bắt đầu.

Năm 2015, lần đầu tiên ý tưởng về một kỳ thi THPT quốc gia chung trở thành hiện thực sau gần 10 năm ấp ủ. Việc tổ chức một kỳ thi chung với hai mục đích, lấy kết quả vừa xét tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, đã giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh, thu gọn thời gian tổ chức thi cử, rút gọn quãng đường di chuyển cho các em.

Năm nay cũng là lần đầu tiên, một phương thức thi hoàn toàn mới, sử dụng duy nhất một đề thi tích hợp, thi trên máy tính được áp dụng vào kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng của Đại học Quốc gia Hà Nội. Phương thức này giúp tiết kiệm thời gian, công sức của thí sinh, khiến công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn và kiểm tra được nhiều năng lực khác nhau của người học.

Lần đầu tiên, quy trình xây dựng chương trình sách giáo khoa được tiến hành một cách bài bản và thực sự khoa học, đánh dấu bằng việc công bố chương trình phổ thông tổng thể rồi sau đó mới triển khai đến chương trình môn học, và cuối cùng là viết sách giáo khoa. Đây là phương pháp thiết kế chương trình khoa học, hợp lý, đảm bảo sự hài hòa, cân đối, nhất quán về mạch kiến thức tổng thể cho 12 năm học.

Năm nay cũng là lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT triển khai đại trà việc đánh giá học sinh ở bậc tiểu học thay vì chấm điểm định kỳ cho các em. Đây là cách thức làm giảm áp lực điểm số cho học sinh tiểu học, từng bước tạo ra môi trường học đường vừa học vừa chơi cho các em.

Có thể thấy, ngành giáo dục đã làm được những việc đáng ghi nhận trong năm vừa qua, cho thấy quyết tâm của toàn ngành trong việc tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học ở các cấp. Sự ủng hộ và vào cuộc của toàn xã hội cũng hỗ trợ rất lớn cho ngành giáo dục trong công cuộc đổi mới lần này. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đổi mới, ngành giáo dục cũng đã bộc lộ một số thiếu sót, sai lầm đáng tiếc.

2 tháng trước khi diễn ra kỳ tuyển sinh vào bậc THCS, Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường không được phép tổ chức thi tuyển vào lớp 6, nhằm tránh tiêu cực, xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm. Nhưng quyết định được đưa ra quá sát thời điểm thi, lại không có chỉ dẫn rõ ràng đã khiến nhiều trường lúng túng, bị động; học sinh và phụ huynh căng thẳng, lo lắng.

Xảy ra tình trạng hỗn loạn xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường Đại học top đầu do Bộ GD&ĐT chưa lường hết những khó khăn, diễn biến tâm lý của thí sinh, hệ thống công nghệ thông tin chưa đủ sức hỗ trợ tối đa cho thí sinh. Hàng nghìn thí sinh và người nhà các em phải vất vả trong suốt hàng tuần lễ.

Cuối năm 2015, Bộ GD&ĐT cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được cấp phép đào tạo ngành y, dược học. Với một ngành học nhạy cảm và liên quan đến tính mạng con người như ngành y, việc cho phép cơ sở này đào tạo, với chất lượng đầu vào chưa biết có đảm bảo hay không, đã gây ra những băn khoăn, nghi ngờ cho dư luận.

Mặc dù những vướng mắc chủ yếu nằm ở một số khâu triển khai thực hiện nhưng cũng phần nào cho thấy sự chuẩn bị của Bộ GD&ĐT còn chưa hoàn toàn chủ động, bước đi còn thiếu sự chuẩn bị thấu đáo, chưa lường hết những khó khăn, thách thức. Đây sẽ là những nội dung cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện trong những năm tới đây; trước mắt là ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.

Năm 2015 cũng là năm mà từng quyết sách của ngành giáo dục nhận được rất nhiều ý kiến phản biện, đóng góp xây dựng của xã hội; trong đó có không ít những tranh luận trái chiều. Nhìn nhận một cách khách quan, công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục đang được triển khai mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đồng thời, đổi mới giáo dục là một quá trình phức tạp, nhạy cảm, với không ít quan điểm, lợi ích đan xen, cần những người đứng đầu không chỉ có tầm, có tâm mà còn phải hài hòa giữa tinh thần cầu thị, lắng nghe và bản lĩnh lớn.

Rất khó có thể đánh giá hiệu quả của các giải pháp đổi mới giáo dục chỉ trong một năm hay thậm chí vài ba năm; vì đổi mới là một quá trình kéo dài, với nhiều giải pháp đồng bộ và cần có độ lùi thời gian để phân tích, nhìn nhận, đánh giá. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ý tưởng đổi mới đôi khi chỉ manh nha từ một nhóm nhỏ và không phải lúc nào cũng có thể thuyết phục được số đông ngay từ đầu. Nhưng nếu ý tưởng đó dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, có tầm nhìn, với phương thức triển khai khoa học, thận trọng, luôn đứng trên quyền lợi số đông thì từng bước sẽ thuyết phục được số đông. Công cuộc đổi mới giáo dục sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm, với nhiều cơ hội và không ít những khó khăn thách thức mà những người trong cuộc cần trong tâm thế sẵn sàng để vượt qua.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước