Ảnh minh họa. (Nguồn: www.baohaugiang.com.vn)
Công tác tuyển sinh dạy nghề năm 2016 phấn đấu đạt 2,15 triệu người, trong đó, trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 250.000 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 1,9 triệu người (600 nghìn lao động nông thôn). Đó là mục tiêu phấn đấu của Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đưa ra tại cuộc họp báo sáng 24/12.
Đồng thời, năm 2016, Tổng cục dạy nghề sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô và chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; tập trung mở mới các cơ sở dạy nghề ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng trọng điểm, đặc biệt ở ba vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hạn chế thành lập mới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập, khuyến khích thành lập các trường tư thục để đẩy mạnh xã hội hoá, huy dộng nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển dạy nghề. Tổng cục cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề công lập; đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực có sẵn của cơ sở đào tạo sang nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế về dạy nghề theo nội dung Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020...
Tính đến cuối năm 2015, cả nước đã tuyển sinh được gần 2 triệu người (đạt 92,1% so với kế hoạch); trong đó, trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề được hơn 210 nghìn người, trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng khoảng hơn 1,7 triệu người. Số lượng học sinh/sinh viên trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề tốt nghiệp năm 2014 là hơn 140 nghìn người, tỷ lệ học sinh/sinh viên tốt nghiệp các trường nghề có việc làm ngay chiếm khoảng gần 80% và một số cơ sở dạy nghề, tỷ lệ này đạt trên 90%.
Trong năm 2015, Tổng cục dạy nghề đã thẩm định và trình Quyết định phê duyệt thành lập mới và nâng cấp 17 trường cao đẳng nghề. Tính đến 30/6/2015 , cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 977 trung tâm dạy nghề.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề Dương Đức Lân, năm 2015 là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, bối cảnh kinh tế xã hội, dẫn đến có nhiều chuyển biến trong công tác phát triển dạy nghề. Bên cạnh đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời có tác động lớn đến bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, đến đào tạo nói chung và dạy nghề nói riêng. Việc hòa chung 10 thị trường lao động vào thành 1 đã đặt ra nhiều vấn đề về trình độ lao động cũng như việc phải ra đời khung trình độ dẫn chiếu ASEAN. Công tác phân luồng và hướng nghiệp chưa hiệu quả đã ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh nghề…
Ông Dương Đức Lân khẳng định: Việt Nam là một trong những nước đứng ở vị trí dẫn đầu về tay nghề ASEAN. Điều này đã được thể hiện qua ba lần đứng thứ nhất tại các Kỳ thi Tay nghề ASEAN. Đây là điểm nổi bật. Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) "về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn" đã đề ra mục tiêu phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề; phấn đấu đến hết năm 2015 có ít nhất 10% và đến năm 2020 có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường dạy nghề. Nhưng cho đến nay (năm 2015), con số này mới chỉ đạt được khoảng 3%. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động, thu hút học sinh, sinh viên tham gia học nghề trong thời gian tới cần tiếp tục phải đẩy mạnh, bởi người công nhân có kỹ thuật, tay nghề cao là hết sức cần thiết trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, cần có sự vào cuộc của các cơ quan báo chí trong việc thay đổi nhận thức "chỉ có học đại học mới có việc làm" của người dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.