Ngày 23/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, các Hội khoa học nghề nghiệp để nghe góp ý về đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, các bước thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang được thực hiện khẩn trương. Mặc dù đến nay, kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ đã chủ động các hoạt động chuẩn bị theo một lộ trình rõ ràng, chặt chẽ. Trên tinh thần chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý và toàn xã hội, Bộ đã sớm đưa dự thảo chương trình tổng thể để xin ý kiến rộng rãi. Tuy trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng chương trình tổng thể chưa có sự tham gia chính thức của các Hội khoa học nhưng các Hội sẽ tham gia trực tiếp khi xây dựng chương trình từng môn học và tiếp đó là biên soạn sách giáo khoa.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến mang tính xây dựng về đổi mới giáo dục - đào tạo; trong đó, ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục - đào tạo đã triển khai trong thời gian qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia thông qua các cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thực hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng. Đặc biệt, chú ý phản hồi, phân tích các ý kiến không được tiếp thu, tránh để người góp ý có "cảm giác" Bộ chưa thực sự trân trọng, cầu thị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: "Cần sớm có cơ chế thực chất, hiệu quả để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo tham gia đóng góp cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo".
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, lấy ý kiến và đưa ra báo cáo Hội đồng giáo dục quốc gia về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia và khung trình độ giáo dục quốc gia, để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành. Bộ sẽ ban hành chương trình tổng thể, chương trình từng môn học theo đúng thẩm quyền của mình, sau khi Thủ tướng đã chính thức ban hành cơ cấu hệ thống và khung trình độ quốc gia, để đảm bảo lộ trình đổi mới được tiến hành chặt chẽ và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!