Bố mẹ lần lượt qua đời
Tìm đến căn phòng trọ nhỏ bé nằm trên một tuyến phố lớn của TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để gặp cô học trò người dân tộc Nùng - Chu Thị Thắng (học sinh lớp 12A2, trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng), Thắng bẽn lẽn tâm sự: "Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, em thi khối C đạt 21,5 điểm (Văn: 6,5 điểm; Sử: 7,25 điểm; Địa: 8 điểm), cộng cả điểm ưu tiên em được 25,25 điểm. Nhưng đến hiện tại, em vẫn chưa dám đến trường Đại học nộp đăng ký xét tuyển ngành học mình yêu thích vì cuộc sống của em còn quá khó khăn".
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 anh em, Chu Thị Thắng là người con thứ 3 trong nhà, bố mẹ Thắng làm nông để nuôi các con ăn học. Với Thắng, đây là quãng thời gian hạnh phúc vì em được sống dưới tình yêu thương, bao bọc chở che của bố mẹ. Nhưng những ngày tháng ấy lại qua đi nhanh chóng, khi Thắng học lớp 10, mẹ em bị phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày và đã không qua khỏi. Đến năm em học lớp 11 thêm một cú sốc lớn khi bố em cũng bỏ 5 người con mà vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh ung thư gan quái ác.
“Lúc mẹ mất em buồn và khóc rất nhiều, đến khi bố mất nữa em như gục ngã, mất mát này quá lớn, em rất khó chấp nhận, em thấy mình không còn điểm tựa nữa, những người em yêu thương nhất bỏ em đi hết. Khi đến trường thấy các bạn bè có bố mẹ em tủi thân lắm, nhưng em không dám buông việc học vì trước khi bố mất, em đã hứa với bố sẽ phải học hành đến cùng” - Thắng nghẹn ngào.
Bố mẹ mất, người anh trai đầu mới 25 tuổi phải đứng ra lo cho các em, vì khi biết bố mẹ mắc bệnh gia đình đã phải bán sạch tài sản, ngoại trừ căn nhà nhỏ để lo thuốc thang, giờ đây khó khăn chồng chất khó khăn. Thương anh trai, thương các em, Thắng càng tự nhủ bản thân phải quyết tâm học thật tốt và tìm được công việc về phụ giúp gia đình.
"Cứ định đi nộp hồ sơ lại chần chừ..."
Vượt qua mất mát, Thắng đã đạt được nhiều thành tích trong học tập, em luôn đạt danh hiệu học sinh Khá của trường, đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý và Huy chương Vàng Olympic Địa khu vực miền Nam năm lớp 11. Đến thời điểm thi THPT Quốc gia, Thắng đã cố gắng ôn thi và đạt được kết quả tốt. Khi nhận được giấy báo điểm, em đã vô cùng lo lắng, băn khoăn.
“Nếu vào Đại học, số tiền ăn học 4 năm sẽ rất lớn, em không muốn trở thành gánh nặng để hai anh trai của mình phải đi làm thuê, làm mướn để lo. Em rất muốn tự lập. Em rất muốn được đi học nhưng cứ định đi nộp hồ sơ lại chần chừ, bao nỗi lo lại ùa về nhiều thứ khó khăn nên em vẫn không dám đi” - Thắng chia sẻ.
Khi được hỏi với cuộc sống hàng ngày Thắng lấy tiền đâu ra để trang trải, cô học trò nghèo thật thà cho biết khi đoạt được giải Huy chương Vàng Olympic Địa lý, em nhận được giải thưởng 5 triệu đồng. Với số tiền này, Thắng đã để chi phí suốt 2 năm qua, đến hiện tại em chỉ còn lại khoảng 1 triệu đồng. Thắng vừa xin ở trọ cùng hai chị học khóa trên. Mỗi ngày mỗi người góp 10.000 đồng để lo ăn uống, sinh hoạt trong phòng. Hiện, Thắng cũng đang đi xin việc làm thêm để có chi phí hàng ngày.
“Hoàn cảnh của Thắng rất khó khăn. Em rất mong em Thắng sẽ được tiếp tục con đường học hành, nếu em bỏ ngang đó là điều đáng tiếc vô cùng” - em Nông Tuyết Hường (học Trường Trung cấp Mầm non Đắk Lắk - bạn cùng phòng Thắng) cho hay.
Thắng dự định sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào khoa Sư phạm Văn, trường Đại học Tây Nguyên nhưng đã rất nhiều lần em định đi rồi lại không dám. Băn khoăn nhiều, Thắng đã nghĩ đến phương án nộp hồ sơ vào trường Trung cấp Mầm non Đắk Lắk vì nghĩ học Trung cấp thì học phí sẽ thấp hơn nhiều so với Đại học.
Anh Chu Văn Đại - anh trai Thắng - cho biết: “Nhà tôi chỉ còn Thắng và một em gái út đi học nữa thôi. Tôi muốn giúp được cho em gái ăn học nên người lắm mà không biết có lo được không. Thắng nó không bao giờ than gì vì sợ làm khó anh trai. Tôi cũng nói là sẽ cố gắng nhưng không hứa trước được”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!