Sự kiện được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm nhất trong tuần qua, là đoạn tin nhắn được cho là của giáo viên một trường THCS ở TP Hà Nội gửi cho phụ huynh học sinh có nội dung khuyên con nên bỏ thi vào lớp 10, vì khả năng trượt tốt nghiệp cao. Tính xác thực của câu chuyện này còn đang tiếp tục xác mình.
Nhưng ngay lập tức Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và lãnh đạo trường này đã báo cáo lên cấp trên và khẳng định với báo chí là không có chuyện này. Thế nhưng, trong tuần qua nhiều phụ huynh khác đã mạnh dạn lên tiếng kể lại các câu chuyện tương tự.
Tin nhắn của phụ huynh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Có lẽ học sinh lớp 9 thi chuyển cấp lên lớp 10, giờ còn khó hơn thi vào đại học. Và đây là giai đoạn cam go nhất của các học sinh, phụ huynh, giáo viên và nhà trường. Đã là học sinh và các bậc cha mẹ đa phần đều muốn học hành đỗ đạt, nhà trường và các giáo viên thì cũng không mong muốn gì hơn.. là lớp mình và trường mình có tỷ lệ học sinh đỗ cao. Vì đó còn là uy tín, là thành tích.
Vậy nếu những học sinh bị đánh giá là có khả năng thấp thi đỗ lớp 10 thì như thế nào? Một góc khuất của vấn đề này ở một số trường vừa bị lộ sáng trong tuần qua.
XÁC MINH THÔNG TIN HỌC SINH BỊ YÊU CẦU CHUYỂN TRƯỜNG
Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi các phụ huynh nếu có thông tin và minh chứng về nội dung này, thì gửi về cơ quan Bộ GDĐT theo địa chỉ email và số điện thoại trên màn hình. Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các Phòng giáo dục xác minh làm rõ thông tin mà phụ huynh phản ánh, xử lý nghiêm nếu có sự việc trên.
Trước đó, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh và nội dung đoạn chat giữa các phụ huynh học sinh về việc con em họ bị nhà trường yêu cầu chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, do học lực kém. Việc này được cho là để tránh ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường.
LỰA CHỌN KHI KHÔNG HỌC CẤP 3
Những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề ngày càng tăng, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Nắm bắt nhu cầu, các trường nghề đã về tận địa phương để giới thiệu các ngành nghề được thị trường lao động chấp nhận, thời gian, phương pháp đào tạo cho phụ huynh và học sinh có thể dễ dàng lựa chọn
Nếu như tiếp tục học trung học phổ thông rồi lên đại học, có thể mất từ 7-8 năm, các em mới ra trường, đi làm.
Nhưng nếu học nghề ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở thì chỉ từ 2-3 năm các em đã trở thành những kỹ thuật viên thạo nghề và có việc làm ngay.
Mục tiêu cơ bản nhất giáo dục phổ thông đó là tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi học sinh về quyền được bảo vệ, chăm sóc, quyền được học tập và phát triển theo khả năng của mình, cùng với quyền được lắng nghe, tôn trọng và có thể được ra quyết định.
Nếu chỉ vì thành tích của cá nhân/ tập thể nào đó mà họ có ý định, hoặc có hành vi vận động học sinh có học lực không tốt và gia đình các em theo cái gọi là "tự nguyện" chuyển trường, chuyển lớp, hoặc không học lên cao nữa, nhất là vì mục đích tăng bề dầy thành tích và uy tín cho mình thì, đó là phản giáo dục và thậm chí đó là xâm phạm vào quyền được đi học của các em.
Ở đây, tôi cũng như các vị khách mời không quy kết hay đưa ra kết luận nào với bất kỳ trường học, hay cơ sở giáo dục nào! Mà chỉ muốn cảnh báo, về hiện tượng mà nhiều phụ huynh đã dũng cảm nói ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phản ứng khá nhanh khi nhận được thông tin này và chúng ta mong Bộ cũng như ngành giáo dục sẽ có giải pháp để xử lý hiệu quả vấn đề này.
PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS. Lê Thống Nhất – Nhà giáo, chuyên gia giáo dục sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 23/4.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!