Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Những điểm mới quan trọng

TTXVN-Thứ năm, ngày 30/03/2023 18:24 GMT+7

Ngày 7,8/4/2023 tới đây, học sinh lớp 12 toàn thành phố sẽ làm bài kiểm tra khảo sát theo đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

VTV.vn - Đó là xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi theo hướng đánh giá năng lực, định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tổ chức thi trên máy tính.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025.

Phương án này được kỳ vọng vừa đáp ứng được yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp; đánh giá chất lượng dạy và học theo sự tiến bộ của người học, đồng thời, kết quả thi đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo xét tuyển, học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ sớm.

Chia sẻ về những điểm mới quan trọng trong dự thảo phương án thi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn nhấn mạnh 3 điểm mới được thể hiện trong dự thảo phương án.

Thứ nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học sinh chọn học, điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em.

Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.

Đối với việc đưa môn Lịch sử là một trong 4 môn thi bắt buộc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều. Đây cũng là nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV chỉ rõ "thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học Phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh".

Bộ đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến khác nhau, nhất là ủng hộ việc thi môn Lịch sử nhưng cần thay đổi cách ra đề cho môn học này. Những ý kiến góp ý này, Bộ sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tổng hợp tiếp thu và phân tích đa chiều.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông nên trao quyền tối đa cho các Sở Giáo dục và Đào tạo từ việc tổ chức thi đến ra đề thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho rằng: Hiện nay, Bộ đã phân cấp khá mạnh và rõ cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Các địa phương, cụ thể là UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác ban hành Quy chế, xây dựng đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Những kỳ thi gần đây, đặc biệt các năm 2020, 2021, 2022, mô hình này ghi nhận nhiều ưu điểm, sự phân cấp ngày một cụ thể và rõ trách nhiệm.

Tuy nhiên, về việc ra đề thi, từ năng lực ra đề đến tổ chức đánh giá, xây dựng đề thi, bảo đảm được tính đồng đều về chất lượng, phổ quát và tương đồng giữa các địa phương là việc cần làm thận trọng, có lộ trình.

Để đáp ứng được tính đồng bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chịu trách nhiệm ban hành Quy chế thi, ra đề thi, thanh tra, kiểm tra, còn các công việc khác, địa phương hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm. Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quy định, quy chế và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ở cả cấp Bộ, cấp địa phương để kết quả kỳ thi được an toàn, khách quan, minh bạch nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước