Hoàn thành đồ án tốt nghiệp từ tháng 7 năm nay, hai sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là Trần Huy Hùng và Trần Công Đạo đã có kế hoạch học chuyển tiếp lên cao. Chương trình đào tạo thạc sĩ là 60 tín chỉ. Nếu sinh viên học trước 12 tín chỉ thì với số lượng tín chỉ còn lại chỉ cần học hơn 1 năm là tốt nghiệp thạc sĩ.
"Mình có thể tận dụng để học trước một số học phần. Cũng định hình chung được chương trình học trong các năm học thạc sĩ đồng thời giảm được thời gian trong quá trình học thạc sĩ", sinh viên Trần Huy Hùng cho biết.
Năm nay, số lượng đăng ký học trước tín chỉ thạc sĩ của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là hơn 600 sinh viên. Một số trường đã thiết kế chương trình đào tạo liền mạch liên thông từ đại học lên bậc cao hơn.
Theo Vụ Giáo dục đại học, sinh viên có thể được học trước một số tín chỉ thạc sĩ là điểm mới trong Thông tư 23, tiếp cận thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho một số người có thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, hiện nay, việc công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường đại học chưa nhiều là vướng mắc lớn nhất cho người học.
PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và quản lý kinh tế cho rằng: "Miễn là tín chỉ đạt đầu ra chung của quy chế đại học thì chắc chắn phải công nhận chung. Miễn là người ta học trường A sang trường B ngành đó của trình độ cao học thì chắc phải được công nhận tín chỉ, nhưng bây giờ chưa được, chỉ được công nhận trong trường thôi''.
Cũng theo chuyên gia giáo dục, một khi giao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đào tạo thạc sỹ thì vai trò của Bộ Giáo dục đào tạo trong hậu kiểm rất quan trọng. Các trường dù áp dụng hình thức tuyển sinh bậc thạc sĩ nào nhưng đầu ra phải đảm bảo chuẩn chung đã được quy định trong Khung năng lực Quốc gia Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!