Tảo hôn khiến trẻ vùng cao khó tiếp cận con chữ
Chuyện ở một gia đình dưới chân núi Pha Luông. Cậu bé mới lên 2 nhưng đã làm anh. Bởi cha mẹ về ở với nhau khi mới chỉ 14,15. Để rồi, sau 4 năm, họ đã có 3 mặt con. Mười chín đôi mươi đã có đàn con là chuyện không phải hiếm của người Mông ở Pha Luông.
Vì tảo hôn, việc làm giấy khai sinh cho con gặp không ít khó khăn. Càng trở ngại hơn khi bố mẹ đều là người không biết chữ. Để rồi, khi con đã hơn 10 thì mới làm được giấy khai sinh. Cũng đồng nghĩa, con trẻ đã quá tuổi đến trường.
Con ở tuổi đến trường chưa có giấy khai sinh nhưng khi có khai sinh thì lại không có tiền cho con đến trường. Nhà 9 mặt con, nay lại nuôi thêm cháu nên đứa nhỏ đến trường thì đứa lớn phải nghỉ.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ mới mười chín đôi mươi đã 5 con.
Dẫu hiểu, càng học được càng tốt nhưng, nó chỉ dừng trong ý nghĩ, còn hành động vẫn kẹt trong ‘xó cửa’. Để rồi, ước mơ của con trẻ chỉ được viết lên một cách nguệch ngoạc, còn thực hiện thì vẫn là điều chưa thể.
Tại 2 điểm trường tiểu học bản Pha Luông và Suối Thín thuộc xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu tỉnh Sơn La, hiện có gần 200 em học sinh theo học. Tất cả các em đều là người dân tộc Mông. Không ít trường hợp các em đến lớp khi đã quá tuổi. Có em 10 tuổi mới học lớp 2, 14 tuổi học lớp 4. Không khó bắt gặp trường hợp các anh chị em ngồi học chung lớp. Hiện nơi đây, hàng trăm đứa trẻ đã và đang nhọc nhằn để bám từng con chữ. Rời bản cũ cách điểm trường hàng chục km, chúng tự lập trong những lán trại tạm bợ do cha mẹ dựng lên. Tự thân, tự chăm lo cho nhau hàng ngày mà không có bàn tay chăm sóc của người lớn.
Những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ sau giờ học
Mỗi ngày như mọi ngày, sau giờ tan trường, những đứa trẻ lớn hơn nhận nhiệm vụ đi lấy củi. Mặt trời khuất núi cũng là lúc hoàn thành một phần nhiệm vụ sau giờ học.
Bữa ăn sáng nay đặc biệt hơn mọi khi, bởi bố mẹ chúng đã kịp tiếp tế thêm trứng, có nhóm trẻ được ít cá khô nhưng phải luôn dè sẻn.
4 con cá khô cho 7 miệng ăn, nhưng nay lại thêm 4, bởi nhiều em bố mẹ chưa kịp phụ cấp lương thực nên phải ăn nhờ. Để dễ trôi, cơm chan nước sôi vốn là món quen thuộc.
Lán tạm, 5 đứa trẻ nay vui hẳn, bởi có người lớn xuống thăm. Không điện…tù mù và chật chội, nhưng chúng đã vốn quen với nơi này, có bé đã gắn bó ở đây được hơn 5 năm.
Con chữ vốn khó nay càng trở nên gian nan. Nhưng không vì thế mà lũ trẻ bị khuất phục. Dẫu chúng chưa hiểu có điều gì hay ở mỗi con số và những chữ viết, nhưng ít nhiều, bọn trẻ dần thấy sự thân thuộc.
Những bữa cơm khi thiếu khi đủ
Vì không phải là điểm trường bán trú, nên dù học cả ngày nhưng các em học sinh tiểu học tại 2 điểm trường Pha Luông và Suối Thín phải tự lo bữa ăn cho mình. Tại bản người Mông này, suất ăn trưa chỉ dành cho các bé ở cấp học mầm non.
Bữa ăn đạm bạc của học sinh vùng cao Pha Luông.
Hơn 7.000 đồng/suất ăn trưa cho 1 bé. Đây là số tiền nhà trường quyên góp được từ nhiều nguồn thiện nguyện khác nhau. Cô giáo đứng lớp sẽ kiêm nhiệm luôn việc mua sắm thực phẩm và nấu nướng hằng ngày. Việc có bữa ăn trưa cũng khiến nhiều phụ huynh cho trẻ đến điểm trường nhiều và đều hơn. Tuy nhiên, với kinh phí và nhân sự như hiện tại, điểm trường cũng chỉ đáp ứng được gần 30 suất ăn cho các bé vào 5 ngày trong tuần.
Đối diện vô vàn khó khăn, những bước chân đi tìm con chữ của các em nhỏ vẫn luôn có sự đồng hành của các thầy cô giáo. Cùng nhau vượt qua bao khó khăn để có thể chạm tay được vào con chữ. Dù còn nhỏ, nhưng các em đều hiểu rằng: Chỉ có học hành mới giúp bản thân tỏa hơi ấm vào đám mây mù, và mở ra một tương lai quang rạng hơn nơi Pha Luông 4 mùa mây phủ.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Đến trường muộn 3 năm vì bố mẹ không kịp làm giấy khai sinh, thế nhưng, hằng ngày một bé gái ở Pha Luông vẫn không ngừng nỗ lực để viết nên ước mong. Em cho biết: "Đi học vui lắm, có được nhiều bạn bè. Lớn lên em muốn làm cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ trong bản của mình".
Một lớp học tại Điểm trường Pha Luông mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Vượng, Giáo viên chủ nhiệm lớp 4, Điểm trường Pha Luông mới chia sẻ: "Cũng không có gì xa vời bởi đó là ước mơ mà. Để đạt được ước mơ đó không thì chính các con nỗ lực. Cá nhân nỗ lực thì cũng đồng hành cùng thầy cô nữa.
Mỗi học sinh có một hoàn cảnh khác nhau. Trẻ không may bị dị tật. Nhiều em đi học quá độ tuổi, có em phải nương nhờ người thân khi không còn bố mẹ.
Vượt trở ngại, nay, việc đến lớp với các em không còn là nghĩa vụ mà dần thành thói quen.
Âm thanh từ những buổi học đầu tiên, những nét chữ đầu đời, cô giáo, nay ngoài việc dạy chữ thì kiêm luôn nhiều vai, khi các bé đến tuổi dậy thì. Nhưng không vì thế mà thiếu đi sự nghiêm khắc.
Rồi sau cùng, cô trò truyền cho nhau hơi ấm, hi vọng đủ băng qua chặng đường dài, neo con chữ nơi vùng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!