Thầy Nguyễn Quốc Hùng MA: Dạy tiếng Anh cho trẻ em, giáo trình “nhồi” dẫn đến chất lượng ảo

T.Linh-Thứ năm, ngày 16/07/2015 14:35 GMT+7

VTV.vn -Theo thầy Nguyễn Quốc Hùng MA, việc áp đặt trẻ em học tiếng Anh từ sớm và lượng lớn kiến thức trong giáo trình có thể gây ảnh hưởng tới quá trình tiếp thu tự nhiên của trẻ.

Từ vài chục năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có một bộ giáo trình tiếng Anh do người Việt Nam viết. Gần đây, Bộ đã chủ chương đổi mới sang một chương trình tiếng Anh có nhiều bộ sách giáo khoa để dạy.

Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng MA nguyên là giảng viên, Hiệu phó trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) và là gương mặt quen thuộc dạy tiếng Anh trong chương trình Dạy tiếng Anh trên truyền hình của Ban Khoa giáo, Đài truyền hình Việt Nam. Giáo sư đã có nhiều chia sẻ về thực trạng không được khả quan trong việc dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, ông còn nêu quan điểm về vấn đề xây dựng những bộ sách tiếng Anh dành cho trẻ.

Trẻ em bị “nhồi” học tiếng Anh sớm

Nền giáo dục Việt Nam yêu cầu trẻ em bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 3, ở tuổi thứ 8. Cho đến lớp 5, bộ môn tiếng Anh dành cho trẻ chủ yếu chỉ yêu cầu học sinh giao tiếp được về 4 chủ đề gần gũi: bạn tôi, trường tôi, gia đình tôi và nơi tôi ở. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trẻ em lại thiếu đi môi trường tự nhiên dùng tiếng Anh ngoài lớp học.

Vượt quá những yêu cầu của chương trình quốc gia, hiện nay, nhiều nơi trong nước đẩy chương trình tiếng Anh xuống tận mầm non. Lý do đưa ra là vì trẻ có khả năng nắm bắt được hình ảnh ngôn ngữ từ rất sớm nên học ngoại ngữ càng sớm sẽ càng tốt. Nhưng theo Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng, điều đó lại gây ra tình trạng “nhồi” học ngoại ngữ sớm ở trẻ: “Mọi sự phát triển đều phải có chừng mực. Nếu vì thế, chúng ta sử dụng một giáo trình tiếng Anh, đầy đủ một hệ thống từ mới, hệ thống mẫu câu, kèm theo các bài luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và các bài kiểm tra để đánh giá trẻ học được bao nhiêu thì chúng ta đã bắt đầu lạm dụng tuổi thiên thần của bé để thực hiện kỳ vọng của người lớn”.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng MA (ảnh: nhân vật cung cấp)

Thầy Nguyễn Quốc Hùng MA (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông bày tỏ quan điểm, lứa tuổi mầm non không cần thiết phải áp đặt việc học tiếng Anh bởi đây vẫn là thời kỳ trẻ tiếp thu và học tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên. Hơn nữa, ở lứa tuổi còn bé 3-5 tuổi, trẻ chưa có đủ khả năng và ý thức mình đang học từ, học mẫu câu ngoại ngữ. Trẻ chỉ cảm thấy đó đơn thuần là chơi đùa với âm thanh lạ, bắt chước âm thanh mới một cách tự nhiên. Sự bắt chước nhanh nhạy một cách cơ học của trẻ đôi khi còn khiến người lớn nhầm lẫn với việc trẻ có năng khiếu ngoại ngữ.

Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng phân tích: “Ngày nay, thời đại công nghệ phát triển, trẻ 3-4 tuổi đã rất giỏi sử dụng iPad, tivi, máy tính… Đấy cũng chỉ là khả năng ghi nhớ cơ học và là sự thông minh chứ không phải năng khiếu đặc biệt. Nếu đánh giá đó là năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ, chúng ta lại thêm kỳ vọng và lại đẩy trẻ vào quy trình đào tạo nặng nề hơn, đó là đào tạo nhân tài”. Theo thầy, trẻ nhỏ nên được tiếp cận với ngoại ngữ bằng cách thông qua trò chơi, bài hát hay các hoạt động vui nhộn, phù hợp với tâm lý của trẻ, và mục đích cuối cùng vẫn là chơi. Trong quá trình chơi, trẻ ghi nhớ được gì thì coi như đó là phần thưởng cho trẻ và cho cả phụ huynh.

Giáo trình hoành tráng nhưng chất lượng ảo

Đối với việc dạy trẻ em tiểu học, nhiều chuyên gia đã đồng tình việc giáo viên có thể lựa chọn nhiều bộ sách dựa trên một khung chương trình tiếng Anh chung. Điều đó có nghĩa là chương trình tiếng Anh bậc tiểu học không cần rập khuôn theo một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc giảng dạy và biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh là hai việc khác nhau. Giáo viên giỏi không có nghĩa sẽ soạn ra được chương trình dạy tốt nên cần cân nhắc kỹ việc chọn lựa người soạn chương trình.

Trên thực tế hiện nay, nhiều sách dạy tiếng Anh của trẻ em Việt Nam được thực hiện từ giáo trình nước ngoài nhưng chứa đựng kiến thức, loại hình bài tập theo chuẩn quốc tế, có những điểm chưa thích hợp với thực trạng dạy ở nước ta. Chẳng hạn như với giáo trình dùng cho học sinh lớp 1 mới bắt đầu học đọc, học viết tiếng Việt nhưng vẫn phải đối mặt với các bài tập đọc, viết bằng tiếng Anh. Hay có nơi chọn giáo trình dùng cho học sinh lớp 2, có tới 440 từ, không kể hàng trăm từ thêm vào trong những tình huống cần thiết và 43 mẫu câu khác nhau. Khối lượng kiến thức ngoại ngữ như thế này lại khiến các em bị “nhồi”, vượt quá khả năng tiếp thu của trẻ.

Từ đó, thầy Nguyễn Quốc Hùng đặt ra câu hỏi: “Nội dung học tập quá nặng khiến người thầy buộc phải “lướt ván” các bài tập để đảm bảo không bị vỡ giáo án. Kết quả là bài học được hoàn thành, người thầy hoàn thành nhiệm vụ dạy hết giáo trình, phụ huynh tự hào vì con mình đã học qua một bộ giáo trình hoành tráng. Nhưng nếu chúng ta làm khảo sát tự nhiên, gọi một em nhỏ bất kỳ đã học xong bộ giáo trình đó, đặt câu hỏi với 43 mẫu câu. Liệu em đó sẽ hiểu và trả lời được bao nhiêu câu? Nếu tạo tình huống để em nhỏ nhận diện các từ đã học, em nhớ được bao nhiêu từ? Chúng ta sẽ gặt hái chất lượng thực hay đã tạo ra chất lượng ảo?”

(ảnh minh họa: Văn Chung/Zing)

(ảnh minh họa: Văn Chung/Vietnamnet)

Thầy Hùng nhận mạnh thêm, vấn đề còn có thể nằm ở trình độ học sinh khác nhau giữa các vùng, miền trong nước. Đồng thời, giáo trình nước ngoài không có những yếu tố hỗ trợ học trò vượt qua khó khăn gặp phải bởi tác động của tiếng Việt như bỏ hoặc bóp méo phụ âm đứng cuối từ, nói tiếng Anh không có trọng âm… Giáo trình nước ngoài nguyên gốc cũng không có những phần giới thiệu con người và văn hóa Việt Nam, quan trọng hơn là những bài tập so sánh để trẻ em có thể hiểu và học cách nêu lên điểm đặc trưng trong các hoạt động, hình ảnh cụ thể ở nước ta.

Theo Giáo sư Nguyễn Quốc Hùng, để có được nhiều giáo trình chất lượng và thích hợp thì cần một dự án phối hợp giữa chuyên gia người bản ngữ và chuyên gia người Việt để cùng nhau viết giáo trình dạy tiếng Anh cho trẻ. Thầy cho biết: “Trong gần 30 năm qua, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng liên tục chương trình tiếng Anh theo phương án chọn giáo trình nước ngoài do người bản ngữ viết, sau đó bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với cách dạy ở Việt Nam. Tất cả các chương trình học theo truyền hình đều có người hướng dẫn sử dụng tiếng Việt để giảm tải ngữ liệu, giải thích những nội dung khó như tiêu điểm ngữ pháp, cách kết hợp từ xa lạ với người Việt, kiến thức về văn hóa thế giới, bổ sung bài tập thích hợp và dẫn dắt người học tiến theo trình tự của bài”.

Vì thế, việc dạy và học ngoại ngữ cần được đặt theo đúng mục đích phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của trẻ em. Các em học tập ngoại ngữ cần được tạo hứng thú, học theo đúng cách, học vì lợi ích của trẻ chứ không phải vì kỳ vọng của các bậc phụ huynh.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước