Trường Đại học Chung Ang ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc có 270 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại đây. Ngôi trường này vốn nổi tiếng về các ngành truyền thông và nghệ thuật, nhưng trong những năm gần đây, bỗng trở nên sôi động với việc mở ra nhiều chuyên ngành kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặng Ngọc Sơn là nghiên cứu sinh chuyên ngành xây dựng. Mới sang Hàn Quốc để làm đề án tiến sĩ, nhưng anh đã có không ít bài viết chuyên ngành và công trình tại Hàn Quốc. Một trong số đó là xây dựng hệ thống bảo trì một cây cầu thực tế, dựa trên việc sử dụng mô hình thông tin bằng công nghệ thực tế ảo. Hiện mô hình này đang thể hiện tốt trong bảo trì cây cầu Jindo 2 tại Hàn Quốc.
Nghiên cứu sinh Đặng Ngọc Sơn
Hàn Quốc đang vươn mình để phát triển theo mô hình một quốc gia thông minh, với các thành phố, hệ thống giao thông, bệnh viện, nhà cửa… sử dụng các công nghệ thông minh; trong đó, có cả công nghệ sinh trắc học nhận dạng người dùng. Ít ai biết rằng, những kỹ sư trẻ Việt Nam lại đóng vai trò quan trọng trong những ứng dụng thông minh này.
Công ty Iritech, một công ty liên danh Mỹ - Hàn chuyên về sinh trắc học có trụ sở tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại trụ sở Iritech ở Seoul, Hàn Quốc, toàn bộ các kỹ sư phần mềm lại là người Việt Nam. Công việc của họ là áp dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển giải thuật về nhận dạng mống mắt.
Sản phẩm nhận diện sinh trắc học của những chuyên gia công nghệ này không chỉ đang có mặt tại Hàn Quốc, mà còn được nhiều tổ chức quốc tế viện trợ cho các nước đang phát triển. Sự chăm chỉ, tận tụy và bộ óc sáng tạo, những nhân lực trình độ cao người Việt này đang được đánh giá cao tại Hàn Quốc và góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!