Thí sinh A00, A01, D07 thêm ‘cơ hội vàng’ trở thành SV Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Nhật Nam (thực hiện)-Thứ hai, ngày 13/04/2020 14:57 GMT+7

VTV.vn - Các bạn thí sinh dự thi các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D07 đang có rất nhiều cơ hội vàng để trở thành sinh viên của Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Tối 12/4 đã diễn ra giao lưu trực tuyến về tuyển sinh năm 2020 của Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, với khách mời là: PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu – Phó Trưởng khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Trong buổi giao lưu, tất cả thông tin cần thiết nhất, chuẩn xác nhất dành cho Khối A00, A01, D07 về 3 ngành của Khoa Xây dựng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã được gửi tới khán giả. Đó là các chuyên ngành: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng công trình ngầm đô thị, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng.

Chương trình được thực hiện tại trường quay Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Livestream đồng thời trên các kênh Facebook, Youtube của trường.

[Livestream] A00, A01, D07 với cơ hội Xét tuyển học bạ / Xét tuyển điểm thi THPT Khoa Xây dựng

Nhiều "ưu đãi vàng" kích cầu nguồn nhân lực kỹ sư trong ngành xây dựng

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến 2 trên 3 ngành của Khoa Xây dựng sẽ được xét tuyển dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ đầu ở bậc THPT, miễn phí học phí một học kỳ đối với 25% thí sinh đăng ký sớm và trúng tuyển, cam kết đảm bảo việc làm cho 50% sinh viên có kết quả học tập tốt nhất. Hai ngành đó là Xây dựng công trình ngầm đô thị và Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng. Thầy Hiếu có thể chia sẻ thêm về những thông tin rất hay này?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có truyền thống đào tạo hơn 50 năm và hướng tới đào tạo đa ngành, căn cứ tiêu chí đó, nhà trường đã thường xuyên mở ra các chuyên ngành, các ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội. Trong đó, có ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị và Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng. Hai ngành này đã có tuổi đời đào tạo được trên 10 năm.

Thí sinh A00, A01, D07 thêm ‘cơ hội vàng’ trở thành SV Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội - Ảnh 2.

Phương thức tuyển sinh này có điểm mới ở chỗ, nhà trường sẽ xét tuyển sinh ĐH năm 2020 bằng hai con đường kết hợp. Thứ nhất, xét tuyển dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT dựa vào các khối thi. Bên cạnh đó, dành 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả học tập của 5 học kỳ đầu ở bậc THPT. Nhà trường cũng có những khuyến khích, tặng học phí một học kỳ đối với 25% thí sinh đăng ký sớm và trúng tuyển, dành tặng những suất học bổng của nhà trường và cam kết giới thiệu, đảm bảo việc làm cho 50% sinh viên có kết quả học tập tốt nhất. Không những vậy, trường còn có 19 suất học bổng cho 19 thủ khoa đầu vào cho các ngành trong toàn trường.

Như vậy các bạn thí sinh dự thi các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D07 đang có rất nhiều cơ hội vàng để trở thành sinh viên của Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Tìm hiểu ngành Xây dựng và Công nghiệp

Xây dựng là một nghề có truyền thống lâu đời với nhu cầu cao và ổn định về lao động. Đời sống kinh tế phát triển thì nhu cầu về xây dựng nhà ở kiên cố, bán kiên cố là rất lớn. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành xây dựng sẽ luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội.

Bạn Hùng Anh (Nghệ An): Thưa thầy, học ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp liệu công việc có suốt ngày "Dầm mưa dãi nắng không ạ? Sau khi học xong có phải làm việc hoàn toàn ở công trường không ạ?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Câu hỏi của bạn đúng là nằm trong tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh bậc phổ thông để sau này có thể lập nghiệp. Nghĩ đến ngành xây dựng, người ta hay nghĩ ngay đến lam lũ, vất vả. Nhưng nếu nghĩ đến tốt nghiệp xong với tấm bằng Kỹ sư Xây dựng mà mình chỉ có thể dầm mưa, dãi nắng ở công trường thì điều đó là chưa đủ.

Công trường là phạm vi hoạt động của Kỹ sư Xây dựng nhưng không phải là tất cả. Ngoài vị trí ở công trường, sau khi tốt nghiệp các em còn có rất nhiều vị trí công việc khác nhau thích ứng với nghề nghiệp của mình. Đó là các cơ quan, xí nghiệp, văn phòng tư vấn thiết kế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

• Bạn Mạnh Đông (Thanh Hoá): Em muốn theo ngành xây dựng, nhưng bạn em bảo nếu theo ngành xây dựng thì đi làm luôn hoặc học nghề, không cần phải học đại học. Thầy thấy suy nghĩ đó như thế nào ạ. Rất mong thầy tư vấn giúp em?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Định hướng nghề nghiệp của các em phổ thông bây giờ quả thật con đường vào đại học không phải con đường duy nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đi làm ngay nếu chúng ta chưa có hành trang nghề nghiệp vào đời. Bởi vậy chúng ta nên hoặc là học nghề, hoặc là học đại học. Khả năng mình phù hợp với lĩnh vực nào thì nên chọn con đường đó. Trong mọi trường hợp, nên có kiến thức, có tay nghề vững chắc thì mới nên đi làm.

Lúc đó, khả năng tìm kiếm việc làm của mình sẽ rộng hơn, thu nhập của mình sẽ tốt hơn và mình sẽ yêu thích ngành nghề của mình đã chọn theo những nhu cầu mà cuộc sống đặt ra.

• Một phụ huynh ở Nam Định có hỏi: Tôi cũng làm nghề xây dựng, nhưng không có học bài bản nên chỉ làm thợ, tôi muốn tìm hiểu cho con tôi được học tập hi vọng con có nhiều lựa chọn công việc tốt hơn. Thầy cho biết nên học ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp ở trường Kiến Trúc có lợi thế gì hơn so với các trường khác?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Ngành Xây dựng nói chung, trong đó có chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng công trình ngầm đô thị, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng được đào tạo ở một số trường. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có những điểm mạnh mà thí sinh khi đăng ký xét tuyển ở các khối kỹ thuật nên cân nhắc. Thứ nhất, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là trường đại học công lập có tuổi đời trên 50 năm. Cơ quan chủ quản trực tiếp của trường là Bộ Xây dựng, là một trong những đơn vị cao nhất của nhà nước, của Chính phủ phụ trách về ngành xây dựng. Đó là một thuận lợi.

Cơ quan chủ quản thường xuyên quan tâm phát triển nhà trường thông qua đầu tư công, đầu tư trang thiết bị học tập và quan trọng nhất là đầu tư con người.

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có một đội ngũ hùng hậu về số lượng, đảm bảo về chất lượng với nhiều giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ. Mặt khác, trường có truyền thống đào tạo lâu năm, thường xuyên rà soát, phát triển chương trình đào tạo.

Học dưới mái trường này, sinh viên không những được hưởng cơ sở vật chất đầy đủ, nhìn chung chế độ học phí do nhà nước quy định, nên con em chúng ta ở mọi tầng lớp thu nhập đều có thể được vào học dưới mái trường này.

Môi trường học tập của nhà trường lại là học thuật kết hợp với thực hành, rất năng động, sáng tạo và sinh viên luôn được coi là trung tâm.

• Cũng là câu hỏi dành cho ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, ngành có vị thế lâu đời của Khoa Xây dựng, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh lại rất quan tâm đến dự báo cơ hội tăng trưởng việc làm mạnh mẽ của ngành này trong những năm sắp tới, trường đã chuẩn bị hành trang cho sinh viên của mình như thế nào về kiến thức, kỹ năng?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Việc làm của kỹ sư sau khi tốt nghiệp bao giờ cũng liên quan đến sự tăng trưởng của đất nước. Trong đó có sự tăng trưởng của ngành xây dựng nói riêng. Như chúng ta đã biết, đất nước ta có GDP trong những năm qua liên tục tăng, đặc biệt GDP của ngành xây dựng tăng liên tục và tương đối ổn định trong 9 năm qua. Mức tăng trưởng của GDP ngành xây dựng thường trên 10% qua thống kê của Tổng cục Thống kê. Tổng sản phẩm quốc nội của ngành đã góp phần to lớn trong tỷ trọng cũng như tăng trưởng của ngành cũng như toàn xã hội. Như vậy, việc làm của các kỹ sư xây dựng sau khi tốt nghiệp là rộng mở, từ Bắc chí Nam, từ nông thôn đến thành thị, chúng ta lúc nào cũng gặp các công trình xây dựng.

Có thể nói, trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay thì đất nước chúng ta là một đại công trường. Chúng ta hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn những ngành nghề liên quan đến kỹ thuật xây dựng. Việc làm luôn sẵn sàng chờ. Vấn đề là chúng ta có hành trang vào đời thế nào.

Cũng từ nhu cầu thực tiễn đó, nhà trường và Khoa thường xuyên xem xét, chỉnh sửa, bổ sung lại chương trình đào tạo. Để vừa mang tính học thuật, vừa mang tính thực hành áp dụng, đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong hiện tại và tương lai của đất nước.

Các kỹ sư xây dựng sau khi tốt nghiệp tại Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ có những kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm và còn có cả kỹ năng cống hiến cho xã hội, đạo đức nghề nghiệp.

• Bạn Minh Hùng (Ninh Bình): Thưa thầy, em đã tìm hiểu về khoa Xây dựng, em rất ấn tượng các phong trào của khoa, đặc biệt cuộc thi Sáng tạo Xây dựng. Thầy có thể chia sẻ giúp em thêm thông tin.

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Các em sinh viên vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trở thành sinh viên dưới mái trường này có nhiều hoạt động, có thể là hoạt động học thuật, có thể là hoạt động tinh thần, thể thao, văn thể mỹ… Nhà trường có nhiều chương trình khác nhau để các em tham gia bổ ích. Sáng tạo xây dựng là một phong trào do Khoa Xây dựng khởi xướng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi đoàn Khoa Xây dựng, với sự tham gia của sinh viên toàn trường. Hàng năm cuộc thi được tổ chức vào dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Trong những năm vừa qua, phong trào thu hút được rất nhiều sinh viên trong trường, không những vậy còn mở rộng ra các sinh viên của nhiều trường kỹ thuật khác trên địa bàn Hà Nội tham gia. Các phong trào đó được sinh viên tham gia say mê, thu được nhiều kiến thức bổ ích, hình thành nên những quan hệ cộng đồng sinh viên thân thiện và tăng cường giao lưu học tập.

Ngoài Cuộc thi sinh viên xây dựng sáng tạo, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội còn kết hợp với 4 trường đại học chuyên ngành kỹ thuật ở Hà Nội tổ chức ra Cuộc thi sinh viên vật liệu xây dựng sáng tạo, 2 năm tổ chức một lần. Theo kế hoạch, năm 2021 sẽ tổ chức ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Ngoài các cuộc thi đó, các bạn sinh viên của chúng tôi còn được tham gia nhiều cuộc thi khác nhau nữa. Ví dụ như cuộc thi sinh viên giỏi, Olympic toàn quốc một số môn, các cuộc thi về nghệ thuật, văn-thể-mỹ…

Xây dựng công trình ngầm đô thị: Ngành khác biệt và thừa hấp dẫn

• Câu hỏi của một bậc phụ huynh có tên Nguyễn Nga (Thái Bình), cô đang rất muốn con trai cô đăng ký xét học bạ vào trường, thầy Hiếu có thể chia sẻ về ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị, các bạn sẽ được học gì, các cơ hội về học bổng khi học trong trường và cơ hội về công việc tương lai ra sao?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Xây dựng công trình ngầm đô thị là ngành duy nhất chỉ có Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đào tạo.

Đất nước càng phát triển thì công trình ngầm xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi chúng ta phải có chất lượng lao động cao để đáp ứng được nhu cầu.

Học Xây dựng công trình ngầm đô thị, là một chuyên ngành của Kỹ thuật xây dựng. Trong quá trình học, các em được đào tạo gần giống như một kỹ sư Xây dựng dân dụng và công nghiệp, có nghĩa là những học kỳ đầu, các em vẫn được học chung với ngành này. Tuy nhiên, những học kỳ cuối các em sẽ được bổ sung chuyên sâu hơn về công trình ngầm. Ví dụ như thiết kế công trình ngầm, kỹ thuật thi công công trình ngầm, kỹ thuật duy tu, bảo trì công trình ngầm. Vậy thì các đồ án tốt nghiệp của các em, cũng nghiêng về nhiệm vụ thiết kế và thi công công trình ngầm đô thị.

Hy vọng rằng, khi học dưới mái trường Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, bạn lựa chọn chuyên ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị sẽ được đầu quân vào các dự án lớn của TP. Hà Nội, TP. HCM và các dự án lớn của đất nước. Đó là các hệ thống tàu điện ngầm, đô thị ngầm dưới đô thị, dưới lòng đất, dưới biển. Lĩnh vực công trình ngầm quả thật đang rất mới mẻ với Việt Nam.

Trong quá trình chúng tôi đào tạo, bao giờ cũng hướng đến phần thực hành tương đối nhiều để đáp ứng nhu cầu hiện tại và thực tiễn mà ngành công trình ngầm đang đòi hỏi. Trong quá trình học, sinh viên đã chọn nghề này hãy yên tâm với nội dung giảng dạy của nhà trường cũng như nội dung được thực tập, cọ sát ngoài thực tế.

Phụ huynh còn quan tâm đến vấn đề học bổng, các em sẽ được hưởng những chế độ học bổng chung của nhà trường, của khoa, ngoài ra, vì là một ngành tương đối mới nên các em còn được hưởng chế độ học bổng riêng của ngành của các tổ chức, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Còn cơ hội việc làm thì quả thật rất rộng, ở đâu có công trình xây dựng, ở đó có kỹ sư Xây dựng công trình ngầm đô thị có quyền có mặt. Hơn nữa, các công trình ngầm đô thị ở nước ta đã và đang phát triển, đó là những nơi sẽ thu hút kỹ sư chuyên ngành này. Phạm vi và nhu cầu công việc rất lớn. Tôi tin chắc rằng kỹ sư Xây dựng công trình ngầm đô thị luôn luôn có việc làm và đóng góp xứng đáng công sức của mình trong công cuộc xây dựng đất nước.

Bạn Khánh Thi (Hải Phòng): Thưa thầy, em thấy các công trình ngầm của Việt Nam rất nhiều do kỹ sư xây dựng quốc tế thực hiện, vậy nếu học ngành này các kỹ sư Việt Nam có cơ hội được làm việc không ạ?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Bạn hãy yên tâm, mình là người Việt, mình phải làm chủ trong đất nước, lấy nội lực là chính. Còn các chuyên gia nước ngoài sang với một phương thức là giúp đỡ mình. Khi làm việc với chuyên gia nước ngoài có rất nhiều điều chúng ta cần học hỏi, ví dụ thái độ làm việc, kiến thức chuyên môn. Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài không lấy mất đi cơ hội việc làm của mình, chắc chắn vậy, mà còn tạo ra những cơ hội việc làm mới cho đất nước. Bởi vậy, khi các kỹ sư Xây dựng công trình ngầm đô thị đủ sức đảm đương các dự án lớn thì nhu cầu công việc cũng như khả năng cống hiến của các sinh viên Việt Nam rất lớn.

• Các bạn A00, A01, D07 dường như đang rất quan tâm tới việc xét tuyển học bạ đối với 2 ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị và Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng. Bạn Huỳnh Thái Cương (Long Biên, Hà Nội) có hỏi: Thưa thầy nếu em đăng ký xét tuyển học bạ vào Ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị, em lựa chọn điểm theo khối nào cao điểm nhất để đăng ký đúng không ạ?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Bạn tư duy như vậy là hoàn toàn đúng và tôi khuyên em hãy đăng ký sớm để hưởng những ưu tiên về tuyển sinh trong năm 2020 của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và tôi cũng hy vọng được chào đón bạn Cương cùng các bạn học sinh khối A00, A01, D07 trúng tuyển vào các ngành của Khoa Xây dựng để cùng nhau có những năm tháng trải nghiệm tuyệt vời của sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Rộng mở nhân lực Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng

Chỉ nghe thông tin thôi, cũng hiểu cảm xúc háo hức của các bạn học sinh mong muốn vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội như thế nào. Các bạn học sinh hãy tìm hiểu 2 ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị, Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng. Cũng xin nhấn mạnh lại rằng, đây cũng là ngành được xét tuyển dựa trên kết quả học tập của 5 học kỳ đầu ở bậc THPT, miễn phí một học kỳ đối với 25% thí sinh đăng ký sớm và trúng tuyển, cam kết đảm bảo việc làm cho 50% sinh viên có kết quả học tập tốt nhất.

• Bạn Meo Meo có hỏi: Thưa thầy, thầy có thể chia sẻ về phương pháp học tập công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng và sinh viên ra trường sẽ làm việc gì ạ?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã đào tạo theo học chế tín chỉ, có nghĩa sinh viên là trung tâm của quá trình vận hành. Trong phương thức đào tạo tín chỉ này thì các em được hoàn toàn chủ động chương trình học của mình. Các em được học lý thuyết kết hợp với thực hành thông qua các bài tập lớn, các đồ án, thông qua các môn học thí nghiệm, tham quan… Các em được áp dụng lý thuyết ôn tập, được các giảng viên hướng dẫn cách học trong quá trình học tập. Nhà trường tổ chức một đội ngũ cán bộ cố vấn học tập có kinh nghiệm, thường xuyên quan tâm đến quá trình học tập của các em để có được phương thức học tập đạt kết quả tốt nhất.

Còn cơ hội việc làm của sinh viên theo học ngành công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng quả thật rất rộng mở. Điều này rất logic với ngành. Cha ông chúng ta nói "có bột mới gột nên hồ", muốn có công trình xây dựng phải có vật liệu xây dựng. Ngành xây dựng đang phát triển đòi hỏi một lượng vật liệu xây dựng đa dạng, tân tiến, cũng phải phát triển theo. Đó chính là môi trường, cơ hội việc làm của các em khi chọn ngành kỹ thuật vật liệu xây dựng.

Như chúng ta biết, để hình thành nên một công trình xây dựng, trước tiên phải có kiến trúc sư, bên cạnh đó phải có kỹ sư xây dựng để làm cho ý tưởng của kiến trúc sư trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đỉnh thứ ba của tam giác không thể thiếu là kỹ sư kỹ thuật vật liệu xây dựng, bởi nhiệm vụ, vai trò ở đây là lựa chọn, hướng dẫn cách thức sử dụng, đưa vật liệu đó vào công trình để đảm bảo các tính năng làm việc, đảm bảo vừa đẹp, vừa bền, đặc biệt sẽ góp phần giúp chủ đầu tư tiết kiệm được nhiều chi phí trong tổng giá thành công trình vì vật liệu chiếm tỷ trọng rất lớn, từ 50-70% giá trị công trình.

Như vậy, cơ hội việc làm của ngành kỹ thuật vật liệu xây dựng rất rộng. Ở đâu có kiến trúc sư, có kỹ sư xây dựng, ở đó kỹ sư kỹ thuật vật liệu xây dựng có quyền xuất hiện. Hơn nữa, khi các em học kỹ thuật vật liệu xây dựng xong, ngoài công tác liên quan đến công trường xây dựng, các em có mảng công việc lớn là về các nhà máy, xí nghiệp sản xuất nguyên vật liệu đầu vào, sản xuất cấu kiện xây dựng, thậm chí đóng góp công sức của mình vào giá trị của công trình xây dựng từ sản xuất nguyên vật liệu đầu vào đến công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và kỹ năng sử dụng vật liệu đó vào từng công trình, đều có mặt kỹ sư kỹ thuật vật liệu xây dựng.

• Bạn Lương Tuấn Anh (Quảng Bình) hỏi: Thầy cho em hỏi học ngành này có cơ hội tiếp xúc và học hỏi quốc tế và có cơ hội học bổng không ạ?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Tôi tin là bạn sẽ đăng ký vào Khoa Xây dựng, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội bởi ngoài chương trình đào tạo thường xuyên được cập nhật, mang tính hiện đại, thực tiễn, nhà trường và khoa còn có nhiều hợp tác quốc tế.

Tất cả các nước phát triển hầu như đều có các hợp đồng hợp tác với Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Các trường đại học ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, các nước châu Á phát triển như Hàn Quốc, Thái Lan… đều có hợp tác. Bên cạnh đó, có trao đổi giảng viên từng năm, trao đổi sinh viên giữa các nước.

Như vậy, cơ hội cho sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội nói chung và Khoa Xây dựng nói riêng giao lưu học hỏi từ sinh viên quốc tế, từ các trường trên thế giới là rất lớn. Hơn nữa, trong quá trình học các em còn có cơ hội nhận được học bổng tài trợ từ các trường bạn, sau khi tốt nghiệp, có cơ hội học cao nữa ở các trường đó.

• Phụ huynh Nguyễn Thị An (Bắc Ninh): Nhà tôi có cơ sở kinh doanh vật liệu, tôi cũng muốn con tôi đi học ngành này để có thể tiếp quản và phát triển công ty tốt hơn. Thầy có thể chia sẻ các cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên học ngành Công nghệ kỹ thuật vật liệu được không? Và với công việc kinh doanh của gia đình tôi thì việc học này sẽ hỗ trợ như thế nào cho em nó?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Đây là ý tưởng rất đúng và đáng trân trọng. Chúng ta đều biết kỹ sư Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng có thể đóng góp được nhiều khâu trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành xây dựng. Từ nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất, phân phối sử dụng… Như vậy phân phối là một mắt xích của hoạt động kinh tế. Gia đình đã có một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng muốn phát triển hơn thành một công ty lớn, có thể hoạt động về vật liệu xây dựng kết hợp với xây dựng.

Người quản trị doanh nghiệp muốn có kiến thức chuyên môn sâu về vật liệu thì đương nhiên sẽ cung cấp cho khách hàng giá trị trọn gói hơn cũng như hoạch định được chính sách phát triển của doanh nghiệp phù hợp hơn trong tổng thể phát triển. Tôi tin tưởng người quản trị doanh nghiệp gia đình sau khi được học ở Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội sẽ có những kiến thức tổng thể, vững chắc để dẫn dắt doanh nghiệp ngày càng phát triển

• Phụ huynh Lê Thành Danh (Nghệ An): Gia đình tôi có truyền thống đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên khi ra nước ngoài thường vấp vì không được đào tạo bài bản, không có nhiều kiến thức nền tàng nên khó tiến xa. Tôi muốn thằng út nhà tôi học đại học ở Việt Nam để kiến thức trước khi đi. Vậy nếu chọn Công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng thì sau này đi xuất khẩu lao động Nhật Bản liệu con tôi có áp dụng được nhiều kiến thức cho công việc của nó, hoặc có cơ hội nào khác dễ dàng phát triển không thưa thầy?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Tâm thế của phụ huynh sau khi con em mình học xong phổ thông thì cũng có nhiều con đường để lập nghiệp. Con đường vào đại học không phải con đường duy nhất, tuy nhiên dù sẽ lập nghiệp theo con đường nào thì cũng nên trang bị những kiến thức nghề nghiệp.

Ở các nước phát triển hiện nay có một lợi thế là họ đang rất quan tâm đến khoa học kỹ thuật, trong đó có ngành kỹ thuật vật liệu. Như ở Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, lực lượng lao động thực hành đối với lĩnh vực này đang rất thiếu. Điều đó khiến họ cần một lực lượng đào tạo để tham gia vào mảng trống về nhân lực ở đất nước họ.

Khi học công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng ở Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, sinh viên sẽ được trang bị đủ các kiến thức về chuyên môn cũng như đủ các kiến thức ngoại ngữ, kiến thức về xã hội, cuộc sống, để sau này khi ra trường, nếu có tiếp cận thị trường quốc tế thì chúng ta cũng làm chủ được và đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của nước bạn. Lúc đó cơ hội của chúng ta sẽ mở rộng, thu nhập cũng tốt hơn.

Trong quá trình vận hành, nhà trường và khoa cũng đã có nhiều hợp tác nước ngoài, ngoài các trường đại học còn có những tập đoàn lớn có mặt ở Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận các kỹ sư công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng đến để làm việc. Như vậy, cơ hội việc làm của các em không chỉ giới hạn trong nước, mà còn vươn ra biên giới, đến với các nước bạn để từ đó làm giàu cho bản thân và đất nước.

• Nick Long Nguyen: Thưa thầy, em muốn lựa chọn theo nghề xây dựng, nhưng cũng muốn lựa chọn ngành nghề hữu ích cho xã hội, cho môi trường đô thị. Vậy thầy có thể chia sẻ em nên chọn nghề gì?

PGS. TS. Nguyễn Duy Hiếu: Ngành xây dựng là một ngành rất cần thiết cho mọi quốc gia, với Việt Nam càng rất rõ. Tuy nhiên, công nghiệp xây dựng cũng có hệ lụy là gây ra ô nhiễm môi trường ở mức độ nhất định. Vậy thì khi chúng ta học các ngành kỹ thuật xây dựng, trách nhiệm của mỗi một cán bộ bao giờ cũng là phải giảm ô nhiễm môi trường do ngành mình gây ra. Chúng ta phải luôn luôn trăn trở, sản xuất vật liệu xây dựng nào cho sạch hơn, sử dụng, thiết kế làm sao bền vững hơn, ít tốn kém và tiêu thụ một mức năng lượng nhỏ, độ bền công trình tăng lên… đã góp phần làm cho công trình xây dựng xanh, sạch hơn.

Trường ĐH Kiến Trúc Hà Nội và Khoa Xây dựng trong những năm qua luôn quan tâm đến vấn đề kiến trúc xanh, vật liệu xanh, công trình xanh để đảm bảo phát triển bền vững đáp ứng cho nhu cầu xây dựng đất nước ở hiện tại nhưng không gây tổn hại cho thế hệ tương lai. Như vậy, nếu chúng ta học tập và có trách nhiệm xã hội thì cũng là những cơ hội để góp phần làm sạch môi trường, đóng góp công sức của mình vào phát triển bền vững của đất nước.

Nguyện vọng của em chắc chắn sẽ được đáp ứng ở Khoa Xây dựng, em lựa chọn bất kể ngành gì của Khoa cũng đều thỏa mãn nguyện vọng của em.

--------

Hãy đón xem Giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh đại học vào 20h Chủ nhật hàng tuần trên Youtube và FB của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Số tiếp theo sẽ là Chương trình Tư vấn trực tuyến tuyển sinh Viện Đào tạo hợp tác Quốc tế và 2 chương trình Tiên tiến ngành Kiến Trúc (học bằng Anh ngữ) và Chương trình Cử nhân Kiến Trúc Pháp ngữ vào lúc 20h ngày 19/4/2020.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước