PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay, ngoài điểm chuẩn năm ngoái, các thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay có thể tham khảo thông tin về: Phương thức xét tuyển, ngành tuyển sinh, trường tuyển sinh, điểm trúng tuyển, số thí sinh nhập học 2 năm gần nhất, tình hình việc làm của sinh viên, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển, đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất, học phí…
"Ngoài ra thí sinh còn có thể tiếp nhận thông tin tuyển sinh từ việc tư vấn tuyển sinh của các chuyên gia, các thầy cô giáo, các diễn đàn, các cơ quan báo chí truyền thông. Như vậy, các em thí sinh và gia đình không thiếu thông tin/dữ liệu, thông tin tư vấn, và cũng không khó để tìm kiếm các thông tin đó", bà Thủy cho hay.
Chia sẻ với phóng viên báo CAND, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học khuyến cáo. khi chọn trường và ngành để đăng ký xét tuyển, các em nên tìm hiểu kỹ về ngành đào tạo đó, căn cứ vào sở trường, khả năng, đam mê, hoài bão của bản thân, điều kiện của gia đình để ra quyết định lựa chọn.
"Ngay cả khi các em đặt tiêu chí cơ hội việc làm sau này để lựa chọn ngành học, cũng cần tìm hiểu thật kỹ thông tin về ngành nghề đó trong giai đoạn trước (nếu có), tình hình hiện tại và các dự báo trung hạn để ra quyết định. Có nhiều ngành hiện đang rất phát triển nhưng không có nghĩa là trong tương lai triển vọng phát triển của ngành đó vẫn tốt".
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT)
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng đưa ra lời khuyên với các thí sinh, về mặt nguyên tắc lựa chọn khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, các em nên cân nhắc các tiêu chí theo thứ tự:
- Ngành nghề yêu thích,
- Phù hợp với khả năng và trình độ của bản thân,
- Triển vọng nghề nghiệp
- Điều kiện gia đình.
Đồng thời, về mặt kỹ thuật các em cũng cần lưu ý một số điểm như sau:
- Đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường, các văn bản hướng dẫn,
- Tham khảo tư vấn của các chuyên gia.
- Nguyện vọng nào mong muốn hơn thì để lên trên hoặc có thể tham khảo điểm trúng tuyển theo các trường ngành để sắp xếp các nguyện vọng. Hệ thống sẽ xét tuyển theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, nếu trúng tuyển ở nguyện vọng nào sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó.
Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức, vào nhiều ngành, trường khác nhau, nếu trúng tuyển, xác nhận nhập học (bằng cách nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) thì sẽ mất quyền xét tuyển bằng kết quả thi. Do vậy, thí sinh phải cân nhắc trước khi quyết định.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc khối Công an, Quân đội cần phải tham gia sơ tuyển và đạt sơ tuyển, phải đăng ký nguyện vọng 1 thì mới được xét tuyển.
Thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành có tổ hợp năng khiếu, phải thi hoặc nộp điểm năng khiếu hợp lệ cho các trường để nhập lên hệ thống, khi đó tổ hợp xét tuyển mới hợp lệ.
"Thí sinh phải xem kỹ ngưỡng đảm bảo chất lượng (ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển) do các trường quy định đối với từng ngành, tổ hợp xét tuyển hoặc bài thi/môn thi; các điều kiện sơ tuyển để đăng ký xét tuyển hoặc điều chỉnh nguyện vọng", bà Thủy nhấn mạnh.
Theo báo cáo nhanh của bộ phận thường trực và theo dõi hệ thống của Bộ GD&ĐT, tính đến chiều 25/9, đã có hơn 220.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, chiếm 34% thí sinh đăng ký xét tuyển. Trong đó, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến chiếm 70%. Hệ thống vận hành ổn định, các thắc mắc của thí sinh, điểm tiếp nhận được giải đáp và hỗ trợ kịp thời.
Ngày 25/9 cũng là ngày cuối cùng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến. Thí sinh vẫn còn hai ngày từ 26-27/9 để điều chỉnh bằng hình thức trực tiếp. Trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, nhiều thí sinh và một số điểm tiếp nhận hồ sơ vẫn còn mắc sai sót trong quá trình điều chỉnh, nhập dữ liệu lên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!