Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình.
1 trong 3 bị can là ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, đồng thời là Trưởng ban thư ký Hội đồng thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm.
Ông Vinh đã lợi dụng vị trí quan trọng này để cắt đặt người vào Tổ chấm thi trắc nghiệm, bố trí khu vực chấm thi, khu vực tổ chấm thi trắc nghiệm làm việc, sinh hoạt theo hướng thuận lợi cho việc thực hiện hành vi gian lận.
Ông Nguyễn Quang Vinh cũng giao chìa khóa phòng chứa bài thi trắc nghiệm cho 2 bị can Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn, để 2 bị can này đột nhập vào sửa bài thi của thí sinh, theo danh sách đã tập hợp sẵn. Các đối tượng tẩy xóa, chỉnh sửa trực tiếp trên bài thi, với thủ đoạn rất tinh vi, trước khi đưa vào máy quét file ảnh bài làm gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hậu quả là: Đối với bài thi trắc nghiệm, đã xác định được 140 bài thi của 56 thí sinh tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/một môn thi.
Kết quả chấm thấm định bài thi tự luận môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định có 22 bài thi của 22 thí sinh được chấm chênh lệch điểm từ 1,25 đến 4,75 điểm.
Danh sách 56 thí sinh có bài thi bị can thiệp, chỉnh sửa đã được gửi tới Sở GD&ĐT Hòa Bình vào sáng nay (12/3) để đơn vị này cập nhật lại điểm số. Kết quả chấm lại sẽ là kết quả thi THPT Quốc gia chính thức của những thí sinh này. Điểm thi trước đó không còn giá trị.
Thông tin này sẽ được cập nhật tới các trường đại học, học viện. Như vậy, nếu điểm chấm lại không đạt điểm chuẩn vào đại học, các thí sinh này sẽ buộc phải thôi học, theo đúng quy chế thi. Cá biệt, có thí sinh được xác định đã được nâng điểm thi từ năm 2017, tức là đang theo học đại học được gần 2 năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!