Áp lực lớn với các em làm bài thi chưa tốt
Hai ngày vừa qua (28 – 29/6), hơn 1 triệu thí sinh cả nước đã trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 căng thẳng. Trong đó, hơn 917.700 em sẽ dùng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học.
Bên cạnh những thí sinh làm bài tốt, có nhiều bạn đã bật khóc, ngay sau khi rời khỏi phòng thi do chưa thực sự hài lòng với bài thi của mình. Thí sinh Khổng Thị Ngọc Ánh (Hà Nội) cho biết, em chỉ làm tốt khoảng 60% của bài ở môn Ngữ văn.
Nhiều phụ huynh đứng chờ trong suốt hơn 120 phút làm bài thi của thí sinh đều có một tâm lý chung là hồi hộp, lo lắng, hi vọng con hoàn thành tốt bài thi của mình.
Đứng đợi con từ những phút đầu tiên của buổi thi, chị Hà (Dương Xá, Hà Nội) chia sẻ: "Cảm xúc chung là hồi hộp, sốt ruột, có khi sốt ruột hơn các bạn ở trong. Cả đời con đi thi một lần, mình cũng cố gắng ở lại cùng con, chờ con".
Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT 2023 nhận được sự vỗ về của phụ huynh.
Theo kế hoạch, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được công bố vào ngày 18/7. Tuy nhiên, ngay từ khi kết thúc môn thi cuối cùng, tâm trạng của các sĩ tử đã có sự khác biệt. Nhiều em có tâm lý vui vẻ, thoải mái vì làm bài tốt. Tuy nhiên, cũng có những sĩ tử buồn bã vì làm bài thi không tốt, lo điểm kém, lo thi trượt, lo làm bố mẹ thất vọng…
Thực tế cho thấy, không chỉ áp lực trước và trong kỳ thi, ngay cả khi thi xong, áp lực đè lên vai các sĩ tử vẫn rất lớn, nhất là với những em làm bài thi chưa được như ý muốn. Ở những mùa thi trước, trong thời gian thấp thỏm đợi kết quả thi, đã có những em bị rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí chọn cách tiêu cực nhất là kết thúc cuộc đời.
Để tránh những câu chuyện đau lòng tương tự xảy ra trong mùa thi này, theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, các em rất cần sự đồng hành của cha mẹ - những người gần gũi nhất với mình.
Cô Lanh cho biết, thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng khép lại 12 năm học phổ thông của học sinh. Kết quả các môn thi sẽ quyết định phần lớn đến chặng đường tiếp theo của các em. Sẽ có những em tiếp tục con đường học hành trên giảng đường đại học, cũng có những em chính thức bước chân vào hành trình cuộc đời. Bởi vậy, không chỉ các sĩ tử áp lực mà phụ huynh cũng căng thẳng, lo âu không kém trước kỳ thi bước ngoặt của con em mình.
Làm bài thi không tốt khiến sĩ tử áp lực, lo âu (Ảnh minh họa)
Khi kỳ thi kết thúc, điều mà nhiều phụ huynh quan tâm là con em mình có làm bài được không. Không ít trường hợp con vừa thi xong ra tới cổng trường, cha mẹ đã ào ra hỏi "con làm bài thế nào?", "ước chừng được bao nhiêu điểm?", "liệu có đỗ không?"… Nghe con nói làm bài không tốt, có những ông bố bà mẹ tỏ ra khó chấp nhận, truy vấn con tại sao lại làm sai, lại mắc lỗi…
"Sự chỉ trích, mắng mỏ của cha mẹ không thể thay đổi được bài thi. Nó chỉ khiến các em vốn đang thất vọng, tự trách móc chính mình, lại thêm việc không được cha mẹ sẻ chia, thấu hiểu nên sẽ rất dễ suy sụp", cô Lanh nói.
Làm gì để giúp con giải tỏa áp lực sau khi thi xong?
Theo nữ chuyên gia tâm lý, sau mỗi kỳ thi quan trọng, các em học sinh phải đối mặt với rất nhiều áp lực về điểm số, áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô hoặc tự gây ra áp lực cho mình. Nhất là khi làm bài thi không tốt, bên trong các em sẽ đầy những nỗi sợ, sợ thi trượt, sợ làm gia đình, thầy cô thất vọng, sợ bạn bè, mọi người xung quanh phán xét về mình…
Chuyên gia Nguyễn Thị Lanh khuyên cha mẹ nên trò chuyện, chú ý tới những hành vi, biểu hiện của con
Những nỗi sợ đó có thể khiến các em căng thẳng, rối loạn lo âu. Khi không thể tự mình vượt qua nỗi sợ, cơ chế bên trong con người sẽ cố gắng tìm cách lẩn trốn, không dám đối diện với thực tại và gây ra trầm cảm. Biểu hiện thường thấy là mệt mỏi, mất ngủ, không muốn trò chuyện với người khác, thậm chí có hành vi tự gây hại cho bản thân.
Do đó, sau khi con vừa trải qua một kỳ thi căng thẳng, thay vì chú trọng đến kết quả thi, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện để thấu hiểu con suy nghĩ gì, cảm xúc ra sao, từ đó giúp con giải tỏa áp lực. Đồng thời, cha mẹ cần trở thành những người quan sát tốt, chú ý tới những hành vi của con, nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường để có giải pháp can thiệp kịp thời.
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Lanh, để giúp con vợi bớt những âu lo, cha mẹ cần phân tích cho con hiểu rằng, dù con có bị điểm kém, thi trượt hay chỉ đỗ được vào một ngôi trường ít tiếng tăm thì cũng không phải chuyện quá nghiêm trọng. Con hoàn toàn có thể học lại, thi lại nếu bản thân thực sự mong muốn và hứng thú với điều đó.
Hành trình học tập cũng như hành trình cuộc đời, không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Sai lầm và thất bại không có gì đáng sợ, bởi nó là cách để trưởng thành. Điều quan trọng là con cần bồi đắp cho mình sức mạnh nội tại để bình tĩnh đón nhận và vượt qua thất bại, học được bài học từ chính những sai lầm.
Kỳ thi chỉ là một trong những khó khăn mà con phải đối diện trong quá trình trưởng thành. Dù con có thi trượt cũng không phải là dấu chấm hết, bởi cuộc đời luôn có nhiều lựa chọn khác để dẫn tới thành công.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được công bố vào ngày 18/7. Từ 10-30/7, tất cả thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GDĐT. Sau đó, thí sinh có 7 ngày để nộp lệ phí xét tuyển (từ 31/7 đến 6/8).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!