Ảnh minh họa.
Trong đó, thí sinh cần lưu ý một số mốc thời gian quan trọng trong công tác thi và tuyển sinh năm nay.
Đăng ký dự thi và xét tuyển từ 15-30/6
Theo văn bản hướng dẫn, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển đại học, cao đẳng dự kiến từ 15-30/6.
Đối với xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, thí sinh gửi hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 20/7. Ngày 20/8, các trường công bố kết quả tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.
Trước ngày 7/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe.
Trước ngày 8/9, các trường điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển dự kiến từ ngày 9/9-16/9 với hình thức trực tuyến và từ 9/9-18/9 với hình thức điều chỉnh bằng phiếu đăng ký xét tuyển.
Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển đợt 1 dự kiến trước 17h ngày 27/9. Sau khi có thông báo trúng tuyển của trường, thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp để xác nhận nhập học trước 17h ngày 3/10.
Các trường còn thiếu chỉ tiêu xét tuyển bổ sung từ 8/10 đến hết tháng 12/2020.
Công khai đề án tuyển sinh trước 15 ngày
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải công bố công khai minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng.
Đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu của trường.
Các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận đăng ký xét tuyển cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định.
Đề án tuyển sinh phải xây dựng và công khai trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển. Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang Nghiệp vụ với các thông tin trong Đề án.
Trường chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định; đồng thời các trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của các nội dung trong đề án. Đề án phải gửi về Bộ ngay sau khi đăng trên trang thông tin điện tử của trường.
Tránh tính điểm ưu tiên hai lần
Một điểm khác cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý là việc xét tuyển bằng "điểm xét tốt nghiệp". Theo Bộ, "điểm xét tốt nghiệp" trong quy chế được hiểu là một điều kiện (ngưỡng đảm bảo chất lượng) để thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, trường không được sử dụng để làm căn cứ xét tuyển trực tiếp.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định "điểm xét tốt nghiệp" đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng, mức ưu tiên không giống với mức ưu tiên trong quy chế tuyển sinh.
Để tránh việc thí sinh cộng điểm ưu tiên hai lần, nếu trường sử dụng "điểm xét tốt nghiệp" để xét tuyển, thì phải trừ đi điểm ưu tiên đã được cộng vào trong "điểm xét tốt nghiệp", sau đó mới cộng thêm ưu tiên theo quy định của quy chế tuyển sinh để xét tuyển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!