PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT đã trả lời như vậy với trường hợp các thí sinh đăng ký thi lại đại học thì năm nay trong buổi tư vấn trực tuyến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 27/4.
Bà Thủy cho biết, với những thí sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo THPT mà chưa tốt nghiệp hoặc chưa thi tốt nghiệp, các em vẫn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - năm nay bình thường để có bằng tốt nghiệp, sau đó là sử dụng kết quả thi theo mong muốn, nguyện vọng cá nhân.
Với các thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT từ những năm trước, có thể tham gia xét tuyển đại học với nhiều hình thức khác nhau (do trường ĐH tự chủ, tự xác định và công bố), trong đó có:
+ Xét kết quả học bạ THPT;
+ Tham gia kiểm tra đánh giá năng lực nếu các trường có tổ chức để đáp ứng thêm 1 số yêu cầu mà các trường cần;
+ Sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, kỳ thi chuẩn hóa quốc tế;
+ Tham gia các phương thức xét khác: hồ sơ dự tuyển của thí sinh, phỏng vấn... mà trường quy định
+ Phối hợp nhiều phương thức trên;
Theo bà Thủy, dự thảo quy chế tuyển sinh cũng khuyến khích các trường ĐH tự chủ, tự nguyện, có dành 1 phần chỉ tiêu tuyển sinh để xét điểm thi THPT quốc gia các năm trước. Do vậy, các em liên hệ và xem trên website các trường ĐH mà mình yêu thích để tìm hiểu rõ nhất Đề án, phương thức tuyển sinh của họ.
Mỗi thí sinh chỉ cần làm 1 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học
Cũng trong buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến này, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, bà PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ các trường trong công tác tuyển sinh và lọc ảo đợt 1 năm 2020 như năm 2019.
Do đó nếu thí sinh có sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển, sẽ đăng ký xét tuyển tại trường THPT, cùng thời điểm đăng kí dự thi THPT, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường. Tuy nhiên các nguyện vọng phải xếp theo thứ tự ưu tiên (khâu này không có thay đổi so với 2019).
Thí sinh đăng ký vào trường có sơ tuyển (các trường Công an, Quân đội) hoặc xét tuyển vào các ngành có tổ hợp môn năng khiếu thì cần phải thực hiện theo các quy định của trường (tham dự sơ tuyển, tham dự các kỳ thi do năng khiếu do trường tổ chức).
Đối với các trường tổ chức thi hoặc xét tuyển theo phương thức khác, thí sinh sẽ phải thực hiện theo quy định riêng của từng trường, có thể đăng ký xét tuyển online, nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện hoặc nộp tại trường ĐH. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.
Như vậy, với việc Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ về cơ sở dữ liệu và quy trình xét lọc ảo, điều này giúp các thí sinh và các nhà trường giảm chi phí, thời gian, công sức, đi lại đăng ký, tiếp nhận các hồ sơ nguyện vọng…
Một thí sinh có nhiều nguyện vọng chỉ cần làm 01 bộ hồ sơ nộp đăng ký 01 nơi, thống nhất một kiểu mẫu hồ sơ đăng ký xét tuyển, kinh phí, điều kiện nộp HS xét tuyển.
"Thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng… từ đó góp phần ổn định cả xã hội" - bà Thủy nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!