Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng dành cho thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do vậy, năm nay được dự đoán là sẽ có số lượng thí sinh tự do tăng vọt với tỷ lệ cạnh tranh rất cao.
Trong khi đó, vào thời điểm này cũng là lúc mà các trường đại học vừa kết thúc kỳ thi cuối kỳ 1. Nhiều sinh viên năm nhất đang băn khoăn trước lựa chọn: Thi lại đại học hay chấp nhận học ngành không thích.
Người trẻ chạy theo trào lưu, ngay cả khi đó là một trong những quyết định quan trọng của cuộc đời mình. 3 năm, 3 trường - nhưng vẫn chưa chọn được ngành học đúng ý. Vừa đang ôn thi kì 1 tại một ngôi trường mới, bạn Thùy Trâm vẫn mong ngóng đến kì thi tiếp theo để chuyển ngành.
"Nếu các bạn năm sau đã đi thực tập thì em chỉ mới học năm 2. Đôi khi em nghĩ là mình có đang kỳ vọng quá cao vào những gì mình không thể làm được không nhưng em không đặt nặng việc bao giờ ra trường cho lắm. 22 hay 24 tuổi ra trường nó không còn quan trọng" - bạn Trâm chia sẻ.
Muộn còn hơn sai. Thay đổi ngành học, thi lại giờ đây được nhiều bạn trẻ ví như nhảy việc. Vào thời điểm này, khi học kì một ở nhiều trường vừa kết thúc, trên các hội nhóm dành cho sinh viên, không khó để bắt gặp những bài viết xin tư vấn, bộc bạch về việc muốn nghỉ học hoặc bảo lưu kết quả học tập.
Nhiều giảng viên đại học cho hay, không xác định được mục tiêu của mình là lý do hàng đầu mà nhiều sinh viên không đầu tư, chú trọng đến việc học.
Kết thúc học kỳ I năm học 2023-2024, nhiều trường đại học bắt đầu công bố danh sách hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học, cảnh báo học vụ do có kết quả học tập kém, không đến lớp. Trong thời điểm này, việc phải học ngành không thích khiến nhiều sinh viên chật vật, rơi vào tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!