Học sinh nháo nhác tìm chỗ học thêm
Ngay sau khi Dự thảo thi 2017 được công bố, trên mạng Internet đã xuất hiện tài liệu luyện thi trắc nghiệm môn Toán. Mới đây nhất, trên một trang thông tin về tuyển sinh, bộ 500 câu hỏi trắc nghiệm môn Giáo dục công dân cũng vừa được giáo viên và học sinh liên tục chia sẻ.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi môn Hóa ở Hà Nội, sự thay đổi phương án thi của Bộ GD&ĐT sẽ làm xáo trộn hoàn toàn các kế hoạch học tập trước đó của thí sinh.
Đầu tiên phải kể tới việc thi trắc nghiệm với môn Toán – bởi đây là môn thi bắt buộc và có mặt trong hầu hết các tổ hợp xét tuyển Đại học. Về nguyên tắc, việc thi Trắc nghiệm hay Tự luận chỉ là giải pháp kỹ thuật, là hình thức kiểm tra – đánh giá. Nếu thí sinh nắm vững kiến thức và có khả năng thích ứng cao thì dù đề thi Tự luận hay Trắc nghiệm cũng đều có thể đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, ngoài kiến thức mỗi hình thức thi lại đòi hỏi những kỹ năng và kinh nghiệm làm bài riêng đòi hỏi thí sinh phải có quá trình học tập, rèn luyện tới thành thạo mới có thể đáp ứng tốt được.
"Trong thực tế, từ khi Bộ công bố dự thảo, tôi chỉ thấy học sinh và phụ huynh của mình nháo nhác với việc tìm chỗ học thêm để thi trắc nghiệm Toán và học thêm để có thể làm được nhiều môn hơn trong bài thi tổ hợp", thầy Ngọc chia sẻ.
Cũng theo phân tích của chuyên gia này, về nguyên tắc, đề thi THPTQG đều sẽ giới hạn kiến thức trong SGK phổ thông. Tuy nhiên, do tính chất dùng để xét tuyển vào Đại học, đề bắt buộc phải có sự phân hóa, thậm chí là phân hóa rất mạnh. Hơn nữa, xu hướng xây dựng đề thi cùng với lộ trình đổi mới giáo dục đều hướng tới việc "đánh giá năng lực chứ không kiểm tra kiến thức".
Thầy giáo Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán- Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng chia sẻ, Dự thảo thi 2017 đưa ra quá đột ngột khiến học sinh mất phương hướng, việc học và ôn thi đều khó khăn. Ngay cả giáo viên, cũng khó khăn trong việc thay đổi phương pháp dạy học.
"Chắc chắn luyện thi trắc nghiệm sẽ nở rộ. Thầy nào, lò nào có nhiều chiêu, nhiều mẹo... học sinh sẽ truyền tai nhau. Phụ huynh thì ít người hỏi nhưng học sinh, mấy hôm nay, các em quan tâm và lo lắng thật sự", thầy Tùng cho biết.
Nhiều áp lực với phương án thi mới
Thầy Thịnh Văn Nam, giáo viên trường THPT Đoàn Kết – Hai BàTrưng, Hà Nội cho hay, theo nhận xét của Ngành Giáo dục khi cho rằng, môn Toán đổi sang thi trắc nghiệm sẽ có nhiều câu hơn nên đánh giá chính xác hơn. Tuy nhiên, với các môn như: Vật lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa,...mỗi môn hiện chỉ có 20 câu trắc nghiệm, liệu đánh giá chính xác hơn 50 câu so với trước đây không?
"Một điều quan trọng tiếp theo, với sự thay đổi này, đối tượng thí sinh tự do năm nay thi lại sẽ ra sao? Tôi chưa thấy giải pháp gì cho đối tượng thí sinh ấy", thầy Thịnh cho biết.
Còn theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, bên cạnh những ảnh hưởng của việc thi trắc nghiệm môn Toán, kế hoạch học tập các môn học khác của học sinh cũng chịu nhiều tác động do phương án thi mới giảm số lượng câu hỏi của từng môn thi thành phần trong các tổ hợp thi cũ. Với số lượng câu hỏi ít đi, chất lượng phân loại, độ phủ về kiến thức của đề thi... cũng bị đặt dấu hỏi.
Do đó, có lẽ phải tới khi các trường Đại học công bố chính thức phương án xét tuyển – tổ hợp xét tuyển – hình thức thi tuyển cho năm 2017, các em học sinh mới có thể hoàn toàn yên tâm và tập trung vào việc học – ôn thi của mình.
"Trên thế giới, mặc dù nhiều quốc gia cũng tiến hành các bài thi tiêu chuẩn dưới hình thức trắc nghiệm, kể cả môn Toán nhưng khi xét tuyển vào Đại học bao giờ cũng kèm theo bài viết Luận theo chủ đề hoặc phỏng vấn, vấn đáp. Đó là những thứ mà chúng ta sẽ thiếu, nếu nhìn theo phương án thi 2017", thầy Ngọc chia sẻ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!