Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, thực hiện Đề án 02-ĐA/TU ngày 21/3/2018 của Tỉnh ủy về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã triển khai mạnh mẽ việc sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đến nay, sau khi hợp nhất, sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, địa phương đã giảm 5 trường trung cấp; hiện có 4 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2019, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo 12.090 học sinh, sinh viên; trong đó có 1.180 em đạt trình độ cao đẳng nghề, 1.910 em đạt trình độ trung cấp nghề, 9.000 học viên sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng.
Thực hiện mục tiêu đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tỉnh tiếp tục phát huy thành quả trong năm 2018, đồng thời tập trung các giải pháp quan trọng nhằm đạt kết quả tốt trong năm 2019. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng đổi mới công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội về lao động.
Các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh quan tâm tổ chức tốt các hội nghị xúc tiến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các công việc cần thiết. Các sở, ngành cũng như UBND các huyện, thành, thị xã và mạng lưới trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tạo điều kiện thuận lợi và tích cực phối hợp cùng các trường cao đẳng, trung cấp tư vấn, thông tin tuyển sinh doanh nghiệp đối với diện học sinh cuối cấp; đồng thời hướng nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh thông qua việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025".
Mặt khác, tiếp tục thông tin tốt thị trường lao động để phụ huynh, học sinh và người lao động nắm được nhu cầu sử dụng lao động về trình độ, ngành nghề trong năm, thời gian tuyển, đào tạo cùng những vấn đề liên quan. Trên cơ sở đó, các đối tượng thuận lợi hơn trong việc lựa chọn trình độ, ngành nghề học theo điều kiện của bản thân để có việc làm, thu nhập sau khi tốt nghiệp ra trường.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp chặt chẽ cùng UBND các xã, các đoàn thể và doanh nghiệp nhằm tư vấn học nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là diện thanh niên, học sinh trung học phổ thông đã nghỉ học…
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm 2019, tỉnh được Trung ương đầu tư 10 tỷ đồng nhằm kiện toàn thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường: Cao đẳng Tiền Giang, Cao đẳng Y tế Tiền Giang, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tiền Giang và Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Cái Bè. Tiền Giang khuyến khích các trường trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đổi mới công tác quản lý, dạy và học; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu về lâu dài, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần rà soát lại đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có, dựa trên định hướng phát triển của nhà trường, nhu cầu người học và thị trường lao động để sắp xếp hợp lý ngành nghề đào tạo, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Qua đó, tỉnh tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ hội học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo định hướng phát triển của nhà trường và yêu cầu địa phương trong giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt là bồi dưỡng về kỹ năng nghề, công nghệ thông tin và ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!