Thời điểm này, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước đã bắt đầu bước vào kỳ thi hết học kỳ 1. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố cho toàn bộ học sinh các khối lớp đi học trực tiếp. Các địa phương còn lại học trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức trên. Điều kiện dạy và học khác nhau, việc tổ chức được một kỳ thi sao cho khoa học, an toàn mà vẫn đảm bảo công bằng, khách quan giữa các địa phương, thậm chí là giữa các trường trong cùng một địa phương, là vấn đề đang rất được quan tâm lúc này.
Tại TP Hồ Chí Minh, học sinh hai lớp cuối cấp gồm lớp 9 và lớp 12 sẽ thi trực tiếp, kể cả những lớp đang còn học trực tuyến. Theo các nhà trường, an toàn là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tiếp
Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vẫn còn 1 lớp của khối 9 đang học trực tuyến vì phụ huynh chưa an tâm cho con đến trường. Để đảm bảo tính công bằng, 40 học sinh này vẫn phải tham gia kiểm tra học kỳ 1 trực tiếp tại trường.
Việc tổ chức kiểm tra đánh giá học kỳ 1 bằng hình thức trực tiếp áp dụng cho tất cả các khối THCS và THPT tại TP Hồ Chí Minh. Để đảm bảo an toàn, tránh tập trung đông học sinh trong cùng một thời điểm, mỗi khối lớp sẽ được nhà trường bố trí riêng 1 buổi thi. 2 dãy phòng được Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP. Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh dành riêng làm các phòng thi dự phòng.
Dù thực hiện kiểm tra đánh giá bằng hình thức trực tiếp thế nhưng để không bị động, các trường đều xây dựng thêm phương án tổ chức thi trực tuyến. Các tổ chuyên môn sẽ thực hiện song song 2 phiên bản đề: điện tử và giấy.
Để củng cố kiến thức cho học sinh sau một thời gian dài học trực tuyến, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập bằng cả hai hình thức: trực tuyến lẫn trực tiếp. Nội dung đề thi cũng được xây dựng trên tinh thần học đến đâu kiểm tra đến đó tập trung chủ yếu vào phần đọc - hiểu. Với các trường hợp học sinh là F0, đang kẹt ở quê sẽ được làm bài kiểm tra sau ngày 22/1.
Với cấp tiểu học, hình thức tổ chức thi sẽ được linh hoạt phù hợp điều kiện từng địa phương và căn cứ tình hình dịch bệnh. Tại Thành phố Đà Nẵng, ngành giáo dục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh bằng nhiều cách như đa dạng hình thức giao bài thi, thời gian thi linh động, không cứng nhắc theo khung năm học. Đây cũng là kinh nghiệm được thành phố áp dụng từ năm học trước.
Đà Nẵng linh hoạt tổ chức thi học kỳ 1 cho học sinh
Đã có kinh nghiệm từ năm học trước nên năm học này, đối với việc kiểm tra trực tiếp, các trường tiểu học tại Đà Nẵng sẽ in mỗi học sinh một tập đề theo từng lớp. Phụ huynh đến trường nhận đề mang về cho học sinh làm bài và nộp bài làm tại trường. Đối với kiểm tra trực tuyến, các trường lựa chọn hình thức đánh giá trực tuyến phù hợp với nội dung kiểm tra, đảm bảo việc đánh giá học sinh là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kỳ; trong đó đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kỳ chỉ là một điều kiện.
Thời điểm này, các trường tiểu học tại Đà Nẵng đang triển khai hướng dẫn ôn tập, định hướng nội dung trọng tâm cho học sinh trước khi thi học kỳ. Chia lớp học online thành nhiều nhóm nhỏ, qua đó tăng mức độ tương tác trực tuyến với từng học sinh để ôn tập, củng cố kiến thức - đó là cách mà nhiều trường tiểu học ở Đà Nẵng đang triển khai trước kỳ thi học kỳ 1 và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Do dịch bệnh phức tạp nên học sinh tiểu học Đà Nẵng hầu như chưa đến trường ngày nào trong năm học này, vì vậy, ngành Giáo dục địa phương này linh hoạt để các trường tùy điều kiện thực tế xây dựng lịch kiểm tra học kỳ 1, hoàn thành trước ngày 15/1, chứ không cứng nhắc theo đúng khung kế hoạch năm học.
Với đa số các địa phương, đây là lần đầu tiên phải tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tuyến, rất nhiều thách thức đặt ra. Riêng đối với Hà Nội, nơi học sinh phải ở nhà tránh dịch suốt 7 tháng vừa qua, đây là lần thứ hai các trường tổ chức đánh giá định kỳ theo hình thức trực tuyến. Vậy các trường đang thực hiện như thế nào?
Giải pháp đảm bảo hiệu quả thi trực tuyến
Nhờ lên kế hoạch từ sớm nên hiện tại Trường Liên cấp TH và THCS Ngôi sao Hà Nội đã hoàn thành 80% các môn thi và đều là hình thức trực tuyến. Nhất là sự chủ động sử dụng phần mềm cho học sinh sớm làm quen và tự tin với kiểm tra, đánh giá trực tuyến.
Bên cạnh yêu cầu về kỹ thuật để giám sát thì một trong những vấn đề rất quan trọng để đảm báo thi trực tuyến có thể hiệu quả và đánh giá được đúng với năng lực của học sinh đó là đổi mới nội dung đề thi. Nếu như các câu hỏi đặt ra sát với sự thông hiểu, có tính vận dụng và vận dụng cao thì dù cho học sinh có tra Google hay là mở tài liệu đi chăng nữa cũng không thể làm kịp được bài.
Như ở Trường THPT Trần Phú, Hà Nội, ngoài việc lựa chọn phần mềm phù hợp, tập huấn cho giáo viên kỹ năng quản lý và giám sát thi, khâu ra đề thi đặc biệt được chú trọng.
Bên cạnh đó, để chủ động linh hoạt trước diễn biến của dịch COVID-19, trường cũng có phương án, tạo điều kiện thi trực tuyến cho những học sinh là F0, F1.
Có thể thấy, dù trong tình huống nào, các trường cũng sẵn sàng các phương án thi để đánh giá đúng năng lực học sinh. Để đảm bảo dù không đến trường mỗi ngày, nhưng giáo viên vẫn luôn chủ động giảng dạy còn học sinh vẫn đảm bảo mục tiêu và kết quả học tập.
Mỗi địa phương sẽ có quyền quyết định hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến hay trực tiếp dựa vào tình hình dịch bệnh cụ thể trên địa bàn mình. Hiện nay toàn quốc chỉ có 1/3 số địa phương đang tổ chức dạy học trực tuyến, 2/3 số địa phương còn lại tổ chức dạy học trực tiếp đan xen dạy học từ xa hoặc chỉ dạy học từ xa. Xung quanh việc tổ chức thi học kỳ 1 trong điều kiện dịch bệnh, các chuyên gia và giáo viên cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Ý kiến xung quanh việc tổ chức thi học kỳ 1 trong điều kiện dịch bệnh
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!