Trả quyền chọn sách giáo khoa về cho nhà trường

Hoài Thương-Thứ tư, ngày 25/10/2023 18:32 GMT+7

VTV.vn - Việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa sẽ được trao lại cho các trường thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay.

Đó là quy định theo dự thảo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Việc lấy ý kiến cho dự thảo này sẽ kéo dài tới ngày 20/12 năm nay. Như vậy, trong vòng 4 năm qua, có tới 3 lần thay đổi quy định về lựa chọn sách giáo khoa.

Ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa

Tại dự thảo, Bộ giáo dục và đào tạo đưa ra ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa:

Thứ nhất là lựa chọn trong danh mục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa.

Thứ ba, phải đảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Trả quyền chọn sách giáo khoa về cho nhà trường - Ảnh 1.

Ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa.

Hội đồng lựa chọn sách sẽ do hiệu trưởng thành lập. Mỗi trường sẽ có một hội đồng độc lập.

Cách làm giao quyền cho nhà trường và giáo viên đã được thực hiện ở năm 2020 – năm đầu thay sách. Các năm sau đó từ 2021 tới 2023, chuyển việc lựa chọn sách về cho UBND các tỉnh thành, các trường chỉ được đóng góp ý kiến.

Bà Nguyễn Thương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thịnh Liệt cho biết: "Các nhà trường được chủ động lựa chọn sách giáo khoa thì sẽ rất phù hợp, bởi hơn ai hết mỗi nhà trường hiểu tình hình địa phương, học sinh và chất lượng mỗi giáo viên".

Còn theo hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ, hiệu trưởng phải tham gia vào các cuộc họp với giáo viên trong từng tổ chuyên môn từ đó, nghe đánh giá từng bộ sách của giáo viên và là người chỉ đạo hướng dẫn để lựa chọn sách thích hợp nhất.

Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", bỏ độc quyền xuất bản, sách hiện hành theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm ba bộ là Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh Diều, được đưa vào sử dụng từ năm 2020.

Từ khi thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK đến nay, việc chọn SGK luôn là vấn đề gây nhiều lo ngại. Mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá, "quy định lựa chọn sách giáo khoa phổ thông chưa chặt chẽ, dẫn tới cách thức triển khai không thống nhất giữa các địa phương. Thậm chí, tạo ra kẽ hở để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh".

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thương mại hóa trong chuyện lựa chọn sách giáo khoa là chúng ta nên tránh. Đáng lẽ SGK tốt thì được chọn, nhưng vì thương mại hóa thì lại chọn bộ không tốt".

Đoàn giám sát đã đề nghị Bộ GD&ĐT đánh giá có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không. Sự cần thiết sửa đổi quy định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn sách giáo khoa và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn sách giáo khoa, hướng tới để quyền lựa chọn sách giáo khoa là của học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Đến giữa cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT lại ra dự thảo thông tư trao trả quyền lựa chọn sách giáo khoa về các thầy cô, nhà trường thay vì UBND cấp tỉnh như Thông tư 25. Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng và giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đồng tình với dự kiến trả lại quyền chọn sách cho giáo viên, nhà trường. Ông nhấn mạnh: "Hơn ai hết, giáo viên là người đứng lớp dạy học sẽ hiểu sách nào hay, phù hợp, đồng thời việc này giảm thiểu được cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xuất bản, đảm bảo việc chọn sách khách quan, minh bạch hơn trước đây".

Những băn khoăn về dự thảo

Trả quyền chọn sách giáo khoa về cho nhà trường - Ảnh 2.

Trả lại quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường là phù hợp nhất.

Theo giáo viên, dự thảo chỉ ra thời gian nửa tháng để nghiên cứu tất cả các bộ sách giáo khoa và đưa ra bản nhận xét, lựa chọn, được cho khoảng thời gian hơi gấp rút để hoàn thành.

Cô giáo Trần Thị Ngần, Trưởng Bộ môn Khoa học Tự nhiên, Trường THCS Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, giáo viên ngoài thời gian nghiên cứu còn phải giảng dạy, chính vì thế quỹ thời gian trong 15 ngày cũng gây khó khăn nhất định cho giáo viên. Vì thế, mong muốn của cô giáo là có thêm thời gian để nghiên cứu và đề xuất.

Còn theo cô giáo Phạm Thị Hoàng Lan dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Dịch Vọng Hậu, bản thân các thầy cô giáo cũng phải dành rất nhiều thời gian, để nghiên cứu lựa chọn, xem xét bộ sách đó có ưu điểm và hạn chế gì. Bên cạnh đó thì chắc chắn trên thị trường sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa và vì thế, định hướng của giáo viên chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Liên cấp Marie Curie Hà Nội chia sẻ: "Tôi băn khoăn về các điều 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15 về việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả lựa chọn của các cấp quản lý phòng GD-ĐT, UBND cấp huyện, Sở GD-ĐT, UBND cấp tỉnh. Công việc thẩm và phê duyệt quá phức tạp, cồng kềnh… Hà Nội có hàng nghìn trường phổ thông, mỗi trường phổ thông có hàng chục môn học, hồ sơ thẩm định sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục sẽ chất thành "núi"… ai đọc để thẩm định? Do vậy, tôi đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục".

Đồng ý với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Chí Thành Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội còn đề xuất thêm, trong trường hợp, cấp cao hơn muốn thay đổi sự lựa chọn của nhà trường, thì cần phải có thêm quy định về việc giải trình.

"Cấp cao hơn nhà trường, phòng giáo dục, sở giáo dục khi mà đề xuất lên cấp ubnd tỉnh, nếu mà thay đổi quy định của nhà trường thì phải có yêu cầu, quy định tường minh, chặt chẽ, làm sao thay đổi lý do ra sao. Như vậy tham gia quyền lựa chọn của nhà trường thực chất hơn", ông Thành nhấn mạnh.

Trong các đợt chọn sách giáo khoa được thực hiện tại một số tỉnh thành như Hà Nội, việc thẩm định, lựa chọn của giáo viên cũng đã được tôn trọng. Nhưng khi quy định được điều chỉnh trong thông tư thì việc triển khai sẽ đồng bộ và chuẩn chỉnh hơn. Lúc đó, nhà trường có quyền nhiều hơn, đồng nghĩa với trách nhiệm cũng sẽ lớn hơn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước