Trao đổi với phóng viên, đại diện Khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, cuốn sách được giảng viên bộ môn Ngôn ngữ Trung Quốc giới thiệu để lựa chọn làm giáo trình cho môn học kỹ năng nghe tiếng Trung Quốc vào cuối năm 2019.
Nhà trường cho biết có đầy đủ quy định, thủ tục liên quan đến đề xuất lựa chọn, thẩm định và sử dụng giáo trình, tài liệu tham khảo cho các môn học. Trường đã giao cho các khoa chủ động quyết định. Tinh thần là muốn tìm một giáo trình tốt, tuy nhiên lại xảy ra sai sót không đáng có. Sau khi nhận được thông tin, nhà trường đã họp các đơn vị, cá nhân liên quan để rà soát toàn bộ quy trình và đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc. Đồng thời, Khoa Ngôn ngữ và giảng viên bộ môn đã tìm tài liệu khác phù hợp để tiếp nối tuần học cho sinh viên, đảm bảo cho sinh viên học tập.
"Đường lưỡi bò" trong giáo trình từng được sử dụng tại ĐH Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: Tiền Phong)
Thực tế hiện nay, giáo trình, tài liệu sử dụng cho các môn học trong chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được xuất bản trong nước rất ít. Theo công ty sách Kaixin, đơn vị đang giữ bản quyền xuất bản độc quyền bộ giáo trình Hán ngữ tại Việt Nam, sự việc trên là hệ quả của việc sử dụng tài liệu không có bản quyền. Khác với các giáo trình học tiếng khác, sách tiếng Trung đều phải hiệu đính 3-4, do luôn có những thông tin sai lệch ẩn trong nội dung, hình ảnh… nếu không để ý kỹ, sẽ rất khó phát hiện ra.
Đại học Công nghiệp Hà Nội không phải đơn vị đầu tiên phát hiện có giáo trình "đường lưỡi bò". Vào cuối năm 2019, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát hiện trang 36 cuốn Đọc và trang 32 cuốn Phát triển Hán ngữ - Nghe sơ cấp 1 được sử dụng trong trường có bản đồ "đường lưỡi bò". Trường sau đó phải thu hồi và tiêu hủy hơn 1.000 cuốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!