Trường sư phạm, trường phổ thông hưởng lợi lớn từ chương trình ETEP

PV-Thứ ba, ngày 11/01/2022 07:02 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Hiền cho biết: 5 năm qua, các trường đã được hưởng lợi nhiều từ chương trình ETEP.

Ngày 10/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức họp khởi động đoàn hỗ trợ kỹ thuật cuối kỳ của Ngân hàng Thế giới (WB) với chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP). Tại đây, ý kiến của đại diện các trường đại học sư phạm tham gia chương trình, các Sở GDĐT đều khẳng định: ETEP đã mang lại những giá trị tích cực giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ và Phó Giám đốc WB tại Việt Nam-Steffi Stallmeister đồng chủ trì. Dự trực tuyến và trực tiếp có lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT; chuyên gia của WB; lãnh đạo 8 trường đại học sư phạm chủ chốt tham gia ETEP; cùng đại diện một số Sở GDĐT thụ hưởng chương trình.

95% khối lượng công việc đã hoàn thành

Thông tin tổng quan về tình hình triển khai các nhiệm vụ của ETEP, Phó Giám đốc Đặng Văn Huấn cho biết, cơ bản chương trình đã hoàn tất 95% khối lượng công việc. 5% còn lại, chủ yếu là nhiệm vụ xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, mà ETEP đã thôi dùng ngân sách để thực hiện và chuyển sang xã hội hoá.

Cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ từ tháng 7 đến tháng 12/2021, nhiều hạng mục đạt kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, chỉ số phát triển năng lực của các trường đại học Sư phạm tham gia ETEP đều đạt trên 5, vượt mức cam kết của trường trong thỏa thuận thực hiện chương trình. Cơ sở giáo dục sư phạm tham gia ETEP đã hoàn thành các hoạt động của 3 chương trình tăng cường năng lực do chuyên gia quốc tế thực hiện; từ đó tạo tác động tích cực đến quản trị, phát triển chương trình đào tạo của trường.

Từ năm 2017 khi tham gia chương trình ETEP, 7 trường đại học sư phạm chủ chốt đã xây dựng được 50 chương trình đạo tạo Cử nhân; Học viện Quản lý giáo dục xây dựng được 01 chương trình đạo tạo Thạc sĩ tiên tiến quản trị trường phổ thông. Các chương trình đạo tạo khác được rà soát tổng thể và cải tiến để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như xu hướng hội nhập quốc tế.

Việc tập huấn phát triển chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo hướng tiếp cận năng lực, do chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện cho giảng viên chủ chốt, được 8 trường ETEP tích cực triển khai. Thông qua đó, năng lực của cán bộ quản lý và giảng viên các trường được nâng cao.

Trường sư phạm, trường phổ thông hưởng lợi lớn từ chương trình ETEP - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì tại điểm cầu trực tuyến Bộ GDĐT

Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán tham gia và hoàn thành chương trình bồi dưỡng đều vượt chỉ tiêu kiểm đếm được giao trong thỏa thuận thực hiện, ở tất cả các modul. Số lượng GV/CBQL đại trà hoàn thành chương trình bồi dưỡng thông qua hệ thống công nghệ thông tin cũng cao hơn chỉ tiêu, ở 5/6 modul. ETEP dự kiến hết tháng 3/2022 tỷ lệ GV/CBQL đại trà hoàn thành 5 modul bồi dưỡng sẽ lên tới 110%.

Trường sư phạm, trường phổ thông hưởng lợi lớn từ ETEP

Đánh giá tác động của chương trình ETEP đối với sự phát triển của các trường sư phạm chủ chốt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Hiền cho biết: 5 năm qua, các trường đã được hưởng lợi nhiều từ chương trình. Ở góc độ mạng lưới, các trường sư phạm có sự tăng cường quan hệ với nhau; tăng vai trò, vị thế và sự gắn kết với các Sở GDĐT, các trường phổ thông. Trong nội bộ từng trường, ETEP đã mang lại nhiều tác động tích cực từ hệ thống cho đến những công việc cụ thể.

Về quản trị nhà trường, các cơ sở giáo dục đại học tham gia ETEP được tư vấn quốc tế hỗ trợ để xây dựng chiến lược phát triển. Kế hoạch này sau đó được cụ thể hóa bằng các thỏa thuận và đo đếm hàng năm bằng các chỉ số phát triển TEIDI. Việc đo đếm này tạo thói quen quản trị rất hiện đại, khoa học cho nhà trường.

Về năng lực đội ngũ, đông đảo giảng viên và cán bộ quản lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được tham gia các khóa bồi dưỡng về quản trị, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học giáo dục… Từ đó, trình độ chuyên môn và năng lực xây dựng - phát triển - tổ chức chương trình bồi dưỡng thường xuyên liên tục tại chỗ của đội ngũ giảng viên chủ chốt của trường được tăng lên đáng kể.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đặc biệt tâm đắc với những lợi ích thiết thực mà ETEP mang lại cho trường về năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin. Điều để lại hiệu quả tức thì với quá trình đào tạo của trường, đặc biệt là trong bối cảnh Covid-19.

PGS Mai Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cũng khẳng định các giá trị tích cực mà ETEP mang lại trong việc nâng cao tư duy quản trị, năng lực đội ngũ, đặc biệt là sự gắn kết với các trường phổ thông và các đơn vị thuộc Bộ. Mối liên hệ chặt chẽ này giúp trường sư phạm vừa nắm bắt chính xác tư duy, yêu cầu đổi mới mà cơ quan quản lý nhà nước đề ra; vừa hiểu rõ thực tế của giáo dục phổ thông; từ đó quay lại cập nhật việc phát triển chương trình đào tạo của trường, để tạo ra đội ngũ giáo viên có chất lượng, đáp ứng luôn được các yêu cầu của đổi mới.

Mong muốn mở ra chương trình mới hỗ trợ giáo dục Việt Nam phát triển

Chia sẻ về hiệu quả của Chương trình ETEP với ngành Giáo dục địa phương, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT Lào Cai Bùi Xuân Tiệp cho biết: Chương trình đã mang lại giá trị rất lớn cho việc nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là trong việc thực hiện CT GDPT 2018. Kết quả dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 và kết quả kiểm tra học kỳ I lớp 1, 2, 6 vừa qua cho thấy, hoạt động bồi dưỡng đã nâng trình độ của giáo viên lên rõ rệt. Nhờ việc bồi dưỡng trực tuyến mà năng lực công nghệ thông tin của giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu vùng xa, được nâng cao. Điều này vô cùng hữu ích khi toàn ngành phải linh hoạt dạy học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19.

Khẳng định, ETEP là chương trình rất quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những hiệu quả và tác động tích cực ban đầu mà ETEP tạo ra đối với cơ sở đào tạo sư phạm cũng như các trường phổ thông. Thứ trưởng mong muốn sau đợt đánh giá kỹ thuật này và chuẩn bị cho việc đóng dự án, WB sẽ mở tiếp chương trình mới để hỗ trợ giáo dục Việt Nam phát triển, đáp ứng yêu cầu của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.

Ghi nhận những kết quả đạt được của chương trình và nỗ lực của các đơn vị tham gia, Phó Giám đốc WB tại Việt Nam Steffi Stallmeister đồng thời chỉ ra một số thách thức mà ETEP phải đối mặt trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đến tháng 6/2022 sẽ "đóng" chương trình. Bà Steffi Stallmeister cũng nhấn mạnh yêu cầu tập trung duy trì bền vững của các kết quả tốt đẹp mà ETEP đã tạo ra cho các trường sư phạm, trường phổ thông, từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước