Quang cảnh Hội thảoTheo Phó Thủ tướng, quá trình tự chủ đại học được bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thành lập ĐH Quốc gia ở Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM. Hai đại học này được thành lập theo nghị định của Chính phủ và có dấu quốc huy. Sau đó, khái niệm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của giáo dục đại học thế giới được đưa vào lần đầu trong Luật Giáo dục năm 1998. Năm 2005, Chính phủ có chỉ đạo thí điểm tự chủ ĐH nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề tài chính.
Trong những năm tiếp theo, cùng với nhận thức tự chủ ĐH có sự thay đổi là các dự án thành lập trường ĐH như: Trường ĐH Việt-Đức, Trường ĐH Việt-Pháp, Trường ĐH Việt-Nhật, nhằm xây dựng những mô hình quản trị ĐH theo hướng tự chủ.
Trong nước còn có những mô hình của một số trường ĐH ngoài công lập và sự nỗ lực của một số trường công lập như: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM và hai ĐH quốc gia... Đây là một trong nhiều cơ sở quan trọng hình thành Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện thí điểm tự chủ ĐH.
Chất lượng giáo dục ĐH được nâng lên rõ rệt khi chúng ta đã có nhiều trường ĐH nằm trong tốp 1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới. Giáo dục ĐH Việt Nam từ chỗ đứng ngoài vị trí 100 và không được xếp hạng trên thế giới thì đến nay ở nhiều bảng xếp hạng khác nhau, đứng ở vị trí khoảng thứ 70.
Cho rằng, mới thực hiện đổi mới tự chủ ĐH được một bước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trước mắt là một quá trình dài. Quan trọng là chúng ta đã xác định đúng hướng, phải tiếp tục thực hiện, trong đó có một số điểm cốt lõi cần lưu ý.
Trước hết, tự chủ ĐH phải đi từ chuyên môn học thuật với một mô hình quản trị tiên tiến để lan tỏa ra ngoài xã hội, nâng cao tính dân chủ, tính khoa học. Tự chủ ĐH gắn với giải trình, không chỉ với cơ quan nhà nước mà cả HSSV, cán bộ nhân viên, giáo viên trong nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội.
Thực hiện tự chủ ĐH không phải là Nhà nước không đầu tư thêm, bởi thực tế nhiều trường ĐH đã tự chủ nhưng vẫn được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, quyết liệt hơn trong xây dựng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo bằng ngân sách.
Cùng với đó, Chính phủ cũng xác định rất rõ và theo đúng xu thế thế giới là: tự chủ ĐH không có nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước theo các quy định pháp luật. Quan trọng là tự chủ ĐH không được làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Trao đổi với các đại biểu về những vướng mắc trong triển khai tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nhận thức đúng về vai trò, vị trí, quyền hạn của hội đồng trường.
Khi một trường ĐH tự chủ thì một phần quyền lực của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý Nhà nước, hiệu trưởng, ban giám hiệu sẽ dịch chuyển sang hội đồng trường.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Báo GD&TĐ
Theo Phó Thủ tướng, hoạt động theo cơ chế tập thể, tạo sự đồng thuận, hội đồng trường sẽ ngăn chặn được những ý kiến cực đoan, nguy cơ sai phạm trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH. Vì vậy, để triển khai tự chủ ĐH thiết thực thì các trường phải thành lập hội đồng trường theo đúng pháp luật.
Trao đổi về mối quan hệ giữa hội đồng trường và Đảng ủy, Phó Thủ trướng nhấn mạnh, chúng ta đã quy định rõ ràng, chủ tịch hội đồng trường sẽ kiêm Bí thư Đảng ủy để gắn kết hai cơ quan trong việc cho ý kiến về các vấn đề, định hướng lớn trong phát triển của trường ĐH; thực hiện việc giám sát.
Những vướng mắc hiện nay về thành lập hội đồng trường chủ yếu do nhận thức chưa thông suốt trong các trường, trong các hiệu trưởng. Các trường cần phải xem xét kỹ quy định về hội đồng trường với đầy đủ thành phần của giáo viên, sinh viên, công đoàn, chủ sở hữu… Mô hình hội đồng trường hiện nay thể hiện tư duy chúng ta không học tập, sao chép bất kỳ mô hình của nước nào nhưng phù hợp với xu thế thế giới và điều kiện trong nước.
Liên quan đến việc xây dựng bộ quy chế hoạt động, Phó Thủ tướng gợi ý, đã có những trường như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân… xây dựng bộ quy chế hoạt động và các trường khác có thể tham khảo. Việc xây dựng bộ quy chế hoạt động trong trường ĐH một cách đầy đủ, hết sức chi tiết từ nhân sự, tài chính, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật… giống như "một bộ luật của trường" là vô cùng quan trọng. Tinh thần là công khai, dân chủ và phải chi tiết, phù hợp với pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!