Dự thảo mới nhất về tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2017 của Bộ GD - ĐT quy định "nới" đầu vào các trường ĐH bằng cách cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường. Trước điểm mới này, nhiều ý kiến cho rằng, việc đăng ký và xử lý các thông tin sau đó sẽ phức tạp hơn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dự thảo quy định cho thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định.
"Điều này một mặt giúp cho việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp, mặt khác giúp thí sinh có nhiều thời gian để lựa chọn nguyện vọng phù hợp hơn", Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Bên cạnh đó, quy định trên góp phần tránh rủi ro cho thí sinh. Trong đợt tuyển sinh năm ngoái, thí sinh làm thủ tục đăng ký sau khi có kết quả thi và không được thay đổi nguyện vọng sau đó nên sẽ không có cơ hội sửa chữa.
Thí sinh tham gia kì thi THPT Quốc gia năm 2016
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD - ĐT, để các trường có thể xác định được lượng thí sinh, tránh tình trạng ảo như năm ngoái, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Theo đó, trong đợt đầu, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
"Ví dụ, ngành A lấy điểm chuẩn 20 điểm thì thí sinh đã đăng ký vào ngành A có điểm thi từ 20 điểm trở lên sẽ trúng tuyển, dù đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào. Tuy nhiên, khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 3 vào trường X, nguyện vọng 5 vào trường Y, nguyện vọng 6 vào trường Z thì thí sinh chỉ được báo trúng tuyển vào duy nhất trường X (có nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã trúng tuyển)", Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn chứng thêm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!