Năm 2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả học bạ. Ảnh minh họa: VGP/Minh Thi
Từ ngày 6/2, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 theo phương thức xét học bạ đến hết ngày 15/5. Năm nay, trường dự kiến tuyển sinh 5.005 chỉ tiêu tại cơ sở chính tại TP Hồ Chí Minh, hai Phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, với 4 phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức xét học bạ dự kiến tuyển khoảng 30-40% tổng chỉ tiêu.
Ở phương thức xét học bạ này, cơ sở chính TP Hồ Chí Minh chỉ xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023, với điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển, của 5 học kỳ bậc THPT (từ học kỳ I lớp 10 đến học kỳ I lớp 12) từ 6,0 trở lên.
Tại hai Phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, Trường xét tuyển cả thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2023 (xét học bạ 5 học kỳ) và thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2022 trở về trước (xét học bạ 6 học kỳ). Điều kiện để xét tuyển là tổng điểm của ba môn theo tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 18 điểm trở lên.
Năm nay, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển khoảng 9.900 chỉ tiêu cho 59 ngành đào tạo. Trong 4 phương thức tuyển sinh năm nay, Trường có hai phương thức xét học bạ với các điều kiện khác nhau. Đó là xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn và xét học bạ 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Trường dành đến 53% tổng chỉ tiêu để tuyển sinh theo phương thức xét học bạ. Ngay từ đầu tháng 1, kéo dài đến ngày 31/3, nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển cho đợt 1 xét tuyển theo phương thức xét học bạ. Trong năm nay, trường dự kiến thực hiện 8 đợt xét tuyển học bạ liên tục đến tháng 9.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 1/2. Với phương thức này, thí sinh cần đạt được một trong các tiêu chí sau: Tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 10, 11 và 12, mỗi lớp 1 học kỳ) đạt từ 18 trở lên, thí sinh được chọn điểm cao nhất trong 2 học kỳ của mỗi năm học; Điểm tổ hợp các môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 trở lên; Điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6,0 trở lên.
Riêng các ngành Sức khỏe và Giáo dục mầm non, Trường áp dụng theo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với các ngành có tổ hợp môn năng khiếu, Trường kết hợp xét điểm các môn cơ bản với điểm thi năng khiếu do Trường tổ chức hoặc từ các trường đại học khác. Năm nay, trường dành 40% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả học bạ.
Theo quy định, dù đủ điều kiện trúng tuyển sau khi xét tuyển sớm, nhưng đây mới chỉ là kết quả trúng tuyển tạm thời. Kết quả trúng tuyển chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.
Nhiều năm nay, xét tuyển học bạ là một trong các phương thức xét tuyển sớm được nhiều trường đại học sử dụng để tuyển sinh. Với ưu điểm cho phép thí sinh chủ động nộp hồ sơ xét tuyển sớm, cơ hội trúng tuyển cao, phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ đang dần thu hút thí sinh lựa chọn nhằm tăng cơ hội vào đại học.
Trước đó, trao đổi thông tin về công tác tuyển sinh năm 2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy nhận định, việc xét tuyển sớm ở một góc độ nào đó gây mất công bằng cho thí sinh, không lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất.
Thực tế, trong công tác tuyển sinh năm 2022, có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ với tỷ lệ chỉ tiêu quá nhiều, có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu, nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.
Bộ khuyến cáo các trường tổ chức xét tuyển các phương thức cùng với thời gian lọc ảo toàn quốc để có thể chủ động điều chỉnh được mức điểm trúng tuyển giữa các phương thức, đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển và lựa chọn được những thí sinh có chất lượng tốt nhất vào học tập tại trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!