Tuyển sinh đại học năm 2023: Các mốc thời gian cần lưu ý

VTV News-Thứ sáu, ngày 03/03/2023 14:13 GMT+7

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

VTV.vn - Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023 diễn ra ngày 3/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin dự thảo Kế hoạch tuyển sinh năm nay, với một số mốc thời gian thí sinh cần lưu ý.

Thời gian tổ chức xét tuyển thẳng

- Thí sinh hoàn thành việc nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các trường trước 17h ngày 30/6.

- Ngày 5/7, cơ sở đào tạo hoàn thành việc xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh; cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên hệ thống.

- Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8 là khoảng thời gian hoàn thành xét tuyển thẳng; xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).

Thời gian tổ chức xét tuyển sớm

Đến 17h ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.

Thời gian đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống

- Từ ngày 5/7 đến 11/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định, từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7.

- Ngày 20/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

- Đến 17h ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).

- Từ ngày 26/7 đến 17h ngày 5/8 là thời gian nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

- Các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào 17h ngày 14/8. Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống vào 17h ngày 30/8.

- Các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung từ ngày 1/9. Từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2023, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay rút ngắn chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn so với năm trước, để các cơ sở đào tạo có thể khai giảng vào đầu tháng 9.

Tuyển sinh đại học năm 2023: Các mốc thời gian cần lưu ý - Ảnh 1.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thu Thủy báo cáo tổng kết tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng năm 2022, triển khai công tác tuyển sinh năm 2023. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Trước đó, tại hội nghị, thông tin về công tác tuyển sinh năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công tác tuyển sinh về cơ bản giữ ổn định, tuy nhiên, cần lưu ý một số thay đổi về chính sách ưu tiên. 

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần. Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp Trung học Phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. 

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có một số giải pháp để tiếp tục cải thiện, khắc phục các tồn tại, hạn chế năm 2022.

Liên quan đến quá trình, phương thức xét tuyển, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở đào tạo phải phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đồng thời, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. 

Bộ cũng yêu cầu các trường phải có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông làm điều kiện sơ tuyển…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các trường triệt để thực hiện các nguyên tắc theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh.

Căn cứ kế hoạch tuyển sinh của Bộ, các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó, phải đảm bảo thống nhất với kế hoạch của Bộ và được công khai, minh bạch để xã hội, cơ quan quản lý giám sát, đảm bảo công bằng đối với tất cả các thí sinh tham gia dự tuyển. Các thí sinh được cung cấp thông tin đầy đủ, chuẩn xác, rõ ràng, nhất quán, đúng thời gian để có quyết định lựa chọn theo nhu cầu, hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển của thí sinh do những quy định không liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển. Việc đăng ký xét tuyển sẽ được đơn giản hóa, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, nhằm giảm tối đa nhầm lẫn.

Đề cập đến một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong mùa tuyển sinh đại học năm trước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết: Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học (dưới 1%). Vẫn còn một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển; gặp một số khó khăn trong truy cập Hệ thống nộp lệ phí trực tuyến. 

Một số cơ sở đào tạo xét tuyển nhưng không báo cáo đầy đủ kết quả lên Hệ thống theo quy định. Việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong xét tuyển ở một số nơi còn chưa kịp thời, gây bức xúc cho thí sinh và xã hội…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước