Các trường đại học không nên có quá nhiều phương án xét tuyển gây phức tạp
Tại phiên chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo sáng 11/11, một số đại biểu đã đặt câu hỏi về vấn đề tuyển sinh đại học cũng như chất lượng đào tạo đại học.
Đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc nhiều học sinh trung học phổ thông có em điểm trung bình môn 9 điểm nhưng không đậu đại học trong đợt tuyển sinh vừa qua.
Ông Nguyễn Kim Sơn đã nêu ra một số nguyên nhân của tình trạng này. Theo đó, có 165 học sinh phổ thông có điểm cao từ 27 điểm trở lên, hầu hết là học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào trường công an, quân đội.
61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào.trong đợt tuyển sinh vừa qua (Nguồn thống kê của Bộ GD-ĐT.)
Ngoài ra, có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, chỉ tiêu ít nên ảnh hưởng xét trúng tuyển. Bộ trưởng cũng nhận định có một vài điểm cần điều chỉnh trong việc chỉ đạo các phương án xét tuyển của trường đại học trong năm tới.
"Việc tuyển sinh là quyền của các trường, nhưng phải nằm trong quy định cho phép. Chúng tôi sẽ rà soát để không nên có quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho người đăng ký" - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chỉ ra việc nhiều trường đại học mở mã ngành nhóm sức khỏe. Điểm tuyển sinh đầu vào của các trường này chênh lệch so với các trường đào tạo chuyên ngành rất lớn, có những mã ngành chênh lệch trên 10 điểm. Có những trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành đào tạo lĩnh vực này khi chưa có ý kiến thẩm định cuối cùng của Bộ Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc mở mã ngành về sức khỏe được tiến hành theo các quy định, các quy chuẩn. Trong tự chủ đại học, việc mở các mã ngành thuộc quyền của các đơn vị, nhưng riêng có hai nhóm là sức khỏe và sư phạm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và quyết định. Các yêu cầu của mở chương trình đào tạo, của nhóm ngành sức khỏe có tiêu chuẩn, tiêu chí nghiêm ngặt và Bộ tuân thủ điều đó.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng thời tiếp tục rà soát và bổ khuyết nếu cần.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba. Ảnh: TTXVN
Cần giải pháp mang tính tổng thể để sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt
Đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) lại đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo đại học: "Hiện nay có một số lượng lớn sinh viên ra trường không có việc làm, gây tốn kém, lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chất lượng đào tạo tại một số trường đại học đào tạo không gắn với nhu cầu xã hội".
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề sinh viên ra trường không có việc.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Có rất nhiều việc cần phải làm để sinh viên ra trường có việc làm và quan trọng hơn nữa là có việc làm tốt. Trong đó, xác định sự phù hợp giữa cung và cầu, giữa nhu cầu đào tạo và quan trọng là sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp".
Bên cạnh đó chất lượng đào tạo cũng là một khâu rất quan trọng. Việc dự báo nguồn nhân lực không chính xác sẽ rất dễ dẫn đến không có việc làm và vì vậy chất lượng dự báo cũng rất quan trọng. Để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt cần giải pháp mang tính tổng thể.
"Để sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm tốt thì chất lượng đào tạo tăng cường các kỹ năng cho sinh viên, việc đủ nhân lực chất lượng cao để phát triển kinh tế - xã hội là công việc lớn và là giải pháp mang tính tổng thể. Tầm nhìn chiến lược và quy hoạch mạng lưới các trường đại học, quy hoạch ngành nghề và số lượng đào tạo cho phù hợp là những nhóm giải pháp cần được triển khai thì mới có thể đáp ứng được công việc này" - ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Về tự chủ đại học, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) hỏi về phương thức quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thay đổi như thế nào.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Ngành Giáo dục trong nhiều năm qua từng bước đã triển khai vấn đề này. Các văn bản quản lý, điều hành của Bộ đã điều chỉnh theo hướng để quản lý được hệ thống giáo dục tự chủ.
Khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi ra đời là bước quan trọng cho tự chủ đại học. Việc xây dựng các quy chế đào tạo theo hướng phù hợp, tăng quyền tự chủ cho các trường đại học. Các quy định này mang tính khung, việc cụ thể hóa do các trường đảm nhiệm.
Một trong những chuyển biến rất quan trọng là việc ban hành một loạt chuẩn: quản lý, trường học, giáo viên, chương trình đào tạo… Bộ sẽ thực hiện đánh giá theo chuẩn này.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường quản lý nhà nước đối với các trường đại học tự chủ từ mệnh lệnh hành chính chuyển sang dùng công cụ kiểm định và các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí.
Khối các trường tự chủ dùng công cụ kiểm định, hình thức chế tài hậu kiểm, thưởng phạt nghiêm minh thì đó là công cụ phù hợp với các trường đại học tự chủ. Bộ đã, đang và sẽ điều chỉnh mạnh để có thể quản lý được vừa tốt, vừa phù hợp tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!