Vì sao phải dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Khánh Nguyễn-Thứ bảy, ngày 05/01/2019 10:45 GMT+7

VTV.vn - Theo ban biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông mới dạy học tích hợp giúp học sinh rút ngắn quá trình tổng hợp này, đồng thời góp phần “giảm tải” chương trình.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới lý giải, trong tự nhiên và xã hội, mọi sự vật và hiện tượng là một thể thống nhất. Việc chia ra các lĩnh vực khoa học (hay các môn học) là để nghiên cứu sâu sự vật và hiện tượng ở từng phương diện nhất định. Tuy nhiên, khi giải quyết một vấn đề của thực tiễn (tự nhiên hay xã hội) thì không chỉ cần tới hiểu biết về một phương diện nào đó mà cần kiến thức tổng hợp thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau.

Mặt khác, kho tàng kiến thức của nhân loại càng ngày càng tăng trong khi thời gian học tập ở nhà trường phổ thông thì có hạn, giáo dục phổ thông cần có giải pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn này. Chính vì vậy, từ hàng chục năm nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có dạy học tích hợp, mà mức cao nhất là xây dựng các môn học tích hợp. Giải pháp này phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của người học, bởi vì năng lực là kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện thành công các hoạt động thực tiễn, dạy học tích hợp giúp học sinh rút ngắn quá trình tổng hợp này, đồng thời góp phần "giảm tải" chương trình.

Tiến trình dạy học "tích hợp cao ở lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên" cũng phù hợp với quy luật nhận thức của con người là đi từ tổng thể đến chi tiết, từ những vấn đề khái quát đến những vấn đề chuyên sâu.

Vì sao phải dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới? - Ảnh 1.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: TTXVN

Thực tiễn thử nghiệm dạy học tích hợp ở Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy việc xây dựng chương trình môn học tích hợp giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kĩ năng của nhiều lĩnh vực chuyên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong học tập và đời sống, qua đó giúp học sinh phát triển được những phẩm chất và năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông kì vọng.

Ngoài ra, nó còn giúp tránh được sự trùng lặp kiến thức nếu dạy ở nhiều môn học, nhờ đó phù hợp với thời gian học của học sinh trong nhà trường, góp phần giảm tải so với chương trình hiện hành. Trong thực tiễn dạy học lâu nay, nhiều giáo viên đã vận dụng cách dạy học tích hợp. Tuy nhiên, nếu quan điểm tích hợp được quán triệt ngay từ khâu thiết kế chương trình và biên soạn SGK thì giáo viên sẽ vận dụng thuận lợi hơn và việc dạy học sẽ hiệu quả hơn so với cách làm tùy thuộc nhiều vào sự vận dụng của từng cá nhân giáo viên.

Thế giới đã và đang dạy học tích hợp, mức độ tích hợp khá đa dạng

Dạy học tích hợp đã và đang được thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu của thế giới; mức độ tích hợp khá đa dạng.

Số nước có môn Khoa học tự nhiên (Science) thay cho 3 môn học riêng rẽ là Vật lí, Hóa học và Sinh học ở cấp THCS chiếm tỉ lệ cao trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền giáo dục phát triển, như: Anh, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kì, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sỹ, Xứ Wales... Bản thân tính chất phổ biến của môn học tích hợp này và việc môn học tích hợp tiếp tục xuất hiện trong những chương trình giáo dục phổ thông mới nhất của nhiều nước (Anh, Australia, Hàn Quốc, Singapore,…) cho thấy việc thiết kế môn học tích hợp Khoa học tự nhiên ở cấp THCS trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam là một lựa chọn phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Việc tích hợp Lịch sử và Địa lí thành một môn học (Lịch sử và Địa lí hoặc Khoa học xã hội, Nghiên cứu xã hội) không phổ biến như môn Khoa học tự nhiên, nhưng cũng đã thực hiện ở nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển như Australia, Canada, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Singapore... Tuy nhiên, mỗi nền giáo dục có cách tiếp cận riêng.

Ví dụ, trong chương trình của bang California (Hoa Kì) có môn học Lịch sử - Khoa học xã hội (History - Social Science), thiết kế xuyên suốt từ Mẫu giáo (Kindergarten) đến lớp 12, trục xuyên suốt là lịch sử (thời gian); trong môn học này, những kiến thức cốt lõi của Địa lí không được thể hiện rõ, ngoại trừ một số kiến thức về bản đồ, về bối cảnh địa lí diễn ra các sự kiện lịch sử.

Trong chương trình của bang Massachusetts (Hoa Kỳ) cũng có môn Lịch sử - Khoa học xã hội. Chương trình này cũng xuyên suốt từ trước Mẫu giáo (Pre-Kindergarten, Kindergarten) đến lớp 12. Những kiến thức cơ bản và kĩ năng về khoa học xã hội, bao gồm lịch sử, địa lí, giáo dục công dân, kinh tế đại cương, kinh tế Hoa Kỳ được tích hợp dựa trên trục chính là lịch sử.

Định hướng dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng sau:

- Tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau, giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kĩ năng trong cùng một môn học, tích hợp giữa.

- Tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau; ở mức thấp là liên hệ kiến thức được dạy với những kiến thức có liên quan trong dạy học; ở mức cao là xây dựng các môn học tích hợp.

- Tích hợp một số chủ đề quan trọng (ví dụ: các chủ đề về chủ quyền quốc gia, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, giáo dục tài chính,…) vào nội dung chương trình nhiều môn học.---

Trong việc triển khai ba định hướng trên, điều được dư luận quan tâm nhiều là các môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí) ở cấp THCS.

Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý: "Ở các lớp học, cấp học dưới, thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lí để tạo thành các môn học tích hợp".

Vì sao phải dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới? - Ảnh 3.

Ban biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đưa ra lý giải cụ thể về việc dạy học tích hợp. Ảnh: Khánh Nguyễn

Những người biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông mới đã lựa chọn phương án tích hợp phù hợp với mỗi môn học để phát huy hiệu quả của dạy học tích hợp, đồng thời bảo đảm kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế trong bước đầu thực hiện dạy học tích hợp ở nước ta.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề nói trên vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khoẻ, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Chương trình môn Lịch sử và Địa lí gồm hai phân môn Lịch sử, Địa lí; nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa góp phần soi sáng, hỗ trợ cho nhau. Bên cạnh đó, chương trình còn tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, Các cuộc đại phát kiến địa lí, Đô thị - Lịch sử và hiện tại, Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long.

Phương thức và mức độ tích hợp như trên phù hợp với trình độ đào tạo, năng lực dạy học của giáo viên và khả năng tiếp nhận, vận dụng kiến thức của học sinh; đồng thời, cũng bảo đảm tính hệ thống của các kiến thức cốt lõi.

Tổ chức dạy các môn học tích hợp như thế nào?

Theo Ban biên soạn chương trình, việc dạy học tích hợp ở cấp tiểu học và dạy học môn Ngữ văn ở ba cấp học được thực hiện như trong chương trình hiện hành.

Các Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của mỗi lớp do giáo viên chủ nhiệm phụ trách, thực hiện theo kế hoạch của nhà trường. Tùy từng hoạt động cụ thể, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cha mẹ học sinh để tổ chức các hoạt động này.

Vì sao phải dạy học tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Giáo viên và nhà trường cũng cần báo cáo chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong xã hội để hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động lao động công ích, thiện nguyện.

Về các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS, với phương thức và mức độ tích hợp của chương trình các môn học này, các tổ chuyên môn phân công giáo viên dạy mạch chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình trên cơ sở bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các giáo viên trong việc dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đây là giải pháp mà các nước phát triển như Anh, Hoa Kì vẫn thực hiện từ trước đến nay.

Các trường sư phạm đã có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo giáo viên dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí và chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn để dạy các môn học này. Những giáo viên có điều kiện và nguyện vọng có thể theo học chương trình bồi dưỡng ở trường sư phạm, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để tiến tới đảm nhiệm được việc dạy toàn bộ môn học. Chương trình bồi dưỡng được tổ chức thực hiện theo hình thức tích lũy tín chỉ nên giáo viên có thể sắp xếp thời gian hợp lí để theo học và hoàn thành chương trình.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Định hướng dạy học tích hợp ở bậc Trung học cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông mới: Định hướng dạy học tích hợp ở bậc Trung học cơ sở Thời lượng môn Tiếng Việt cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nhiều hay ít? Thời lượng môn Tiếng Việt cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nhiều hay ít? Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp thu kinh nghiệm quốc tế như thế nào? Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp thu kinh nghiệm quốc tế như thế nào?


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước