Cùng dự có đại diện các đơn vị thuộc Bộ GDĐT, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Y tế; các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức trong và ngoài nước cùng đại diện một số Sở GDĐT có liên quan.
Theo báo cáo đánh giá, phân loại mức độ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục có học sinh khuyết tật ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 đến 17 tuổi chiếm 2,83% theo điều tra dân số năm 2016. Trong đó, trẻ từ 2- 15 tuổi chiếm 3,03% so với tổng số trẻ cùng độ tuổi; trẻ có một dạng khuyết tật chiếm khoảng 80% còn 20% là trẻ có từ hai dạng khuyết tật.
Tỷ lệ trẻ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Khảo sát thực trạng trẻ khuyết tật năm 2020 cho thấy khoảng 20% số trẻ khuyết tật chưa có giấy xác nhận khuyết tật.
Khảo sát cho thấy trẻ khuyết tật đang được can thiệp, hỗ trợ và học tập trong các cơ sở giáo dục chủ yếu dựa vào đánh giá theo hồ sơ y tế và bằng quan sát, nhận định của cha mẹ trẻ và kinh nghiệm của các giáo viên; các công cụ sàng lọc, phát hiện ban đầu, công cụ đánh giá sâu để can thiệp còn hạn chế về số lượng chủ yếu được thực hiện tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Đánh giá xác định thực trạng phát triển người khuyết tật chú trọng vào mức độ phát triển hay điểm mạnh (có thể làm được gì) và nhu cầu (cần giúp đỡ, hỗ trợ) của người khuyết tật là cơ sở để các quốc gia xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật. Dựa vào đặc điểm kinh tế, xã hội của mình, mỗi quốc gia có cách phân loại riêng, do vậy, số lượng các dạng khuyết tật và số lượng người khuyết tật cũng khá đa dạng ở từng quốc gia.
Tại các nước phát triển, trong quá trình phát triển được theo dõi với một quy trình chặt chẽ để phát hiện sớm những lệch lạc bằng những công cụ sàng lọc do cha mẹ và những cán bộ chuyên môn y tế, giáo dục và xã hội. Sau khi xác định được những lệch lạc trong phát triển, những trẻ này được xác định chính xác hơn bằng những công cụ chuyên sâu trong từng lĩnh vực phát triển để có xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân nhằm can thiệp, hỗ trợ cho trẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện nay Bộ Y tế đã và đang xây dựng tài liệu phục vụ chuyên môn về phục hồi chức năng, giám định, hướng dẫn hệ thống can thiệp sớm cho trẻ em khuyết tật, hướng dẫn phục hồi chức năng cho trẻ rối loạn tự kỷ… Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan đánh giá thực trạng hệ thống phục hồi chức năng, hệ thống công nghệ trợ giúp phục hồi chức năng, đánh giá kiểm tra. Kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng của trẻ em khuyết tật trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các đơn vị, tổ chức đã trao đổi, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến việc thống nhất các công cụ sàng lọc, công cụ chuyên sâu đánh giá từng lĩnh vực phát triển của trẻ khuyết tật; đội ngũ chuyên môn, quản lý, giáo viên; vị trí việc làm của giáo viên giáo dục đặc biệt; sự chỉ đạo, thống nhất trong quản lý, chế độ, chính sách cho trẻ khuyết tật; sự phối, kết hợp giữa các bộ ngành chuyên môn; sự đồng thuận của cha mẹ học sinh khuyết tật…
Phát biểu kết luận hội thảo Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao báo cáo của nhóm nghiên cứu về các tiêu chí, đánh giá, phân loại mức độ khuyết tật cũng như các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo và nhận định: Những vấn đề về trẻ em khuyết tật phải được tiếp cận chuẩn. Chuẩn là phải dựa trên quyền của người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và những gì thuộc về quyền thì chúng ta phải cố gắng đáp ứng.
Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: Để đáp ứng được việc này rất khó và còn ngổn ngang nhiều việc cần phải làm. Trong đó, trách nhiệm của các Bộ ngành là phối hợp đúng chức năng, nhiệm vụ để tận tâm với công việc đang triển khai cho nhóm đối tượng này. Cần quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Việc phân loại, đánh giá, phát hiện và can thiệp sớm là điều cần thiết. Do đó, việc chuẩn hóa, cụ thể bộ công cụ cần phải được hoàn thiện sớm.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý nhóm nghiên cứu về việc đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để có đủ nhận thức, kỹ năng hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật. Đặc biệt chú trọng đến nguồn tuyển để việc đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thực chất, mang lại hiệu quả cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!