Hội thảo tại Hà Nội lần này có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà giáo dục trong nước và quốc tế, đại diện các cơ sở giáo dục -– đào tạo.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Nhìn lại giai đoạn 2011- 2020, Việt Nam có thể tự hào về các thành tựu đã đạt được với ba cột mốc quan trọng. Thứ nhất, công tác kiểm tra, đánh giá trong giáo dục đã có nhiều đổi mới căn bản, đáng chú ý là việc hủy bỏ hình thức kiểm tra đánh giá liên tục ở cấp tiểu học và sáp nhập kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với thi Đại học thành kì thi Trung học Phổ thông quốc gia từ năm 2016. Những thay đổi trong tiêu chí, hình thức và cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá giúp giảm tải áp lực không cần thiết cho học sinh và giáo viên, thúc đẩy động lực, sự chủ động của học sinh trong học tập.
Thứ hai, Việt Nam đã sửa đổi và hoàn thiện cấu trúc hệ thống giáo dục, thông qua việc ban hành Khung hệ thống Giáo dục quốc gia. Cấu trúc này được xây dựng dựa trên khung trình độ quốc gia cho phép chuyển đổi, đối chiếu giữa các chương trình giáo dục trong nước và quốc tế.
Thứ ba, quan trọng nhất, đó là Việt Nam đã thông qua chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực mới vào năm 2018, sẽ được triển khai chính thức từ năm 2020. Chương trình giáo dục quốc gia mới thay thế các phương pháp dạy và học cũ dựa trên truyền thụ kiến thức, chuyển sang trang bị cho học sinh những kĩ năng thực tiễn cần thiết cho thế kỉ 21.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, giáo dục Việt Nam vẫn đang tồn tại một số vấn đề cần khắc phục. Mặc dù việc phổ cập giáo dục ở cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở đã đạt được nhưng tỉ lệ bỏ học vẫn cao và tỉ lệ tiếp tục theo học vẫn ở mức thấp, đặc biệt đối với học sinh các dân tộc thiểu số. Vấn đề bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên vẫn chưa được chú trọng, đặc biệt là sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học. Học sinh Việt Nam tuy đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra năng lực quốc tế nhưng vẫn bị đánh giá là thiếu hụt kĩ năng, động lực học tập, do sự chênh lệch giữa giáo dục trong nhà trường và yêu cầu thực tiễn.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, để có thể mang lại lợi ích thực sự, giúp học sinh sẵn sàng cho những cơ hội và thách thức trong thế kỉ 21, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng kế hoạch hiệu quả cho việc triển khai các trọng tâm giáo dục của Chính phủ, giúp học sinh thành công và cải thiện năng lực cạnh tranh của đất nước. Việt Nam mong muốn xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao, mang đến cho mỗi công dân cơ hội học tập suốt đời để có thể khám phá và phát huy tối đa năng lực bản thân, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống. Để làm được điều này, hệ thống giáo dục phải được thiết kế đa dạng và tạo điều kiện tới từng cá nhân người học.
Thông qua hội thảo lần này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ hy vọng những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách sẽ giúp Tổ biên tập và soạn thảo chiến lược có thể xây dựng một bản chiến lược hiệu quả, thực tế, có ích cho các thế hệ học sinh hiện tại và trong tương lai.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, khi nói về hoạch định chính sách cho giáo dục là nói về bức tranh tổng thể, phải có tầm nhìn xa và dài. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang xây dựng chiến lược 10 năm tới thì học tập, tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước là cần thiết. Hiện nay, UNESCO, UNICEF và Hiệp hội giáo dục cho mọi người đang hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam kết nối các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nhằm đạt được tầm nhìn đã đề ra. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã trải qua giai đoạn này. Việt Nam cần xác định yếu tố then chốt để xác định chiến lược giáo dục, các vấn đề cần ưu tiên cũng như việc phân bố ngân sách…
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, chiến lược phát triển giáo dục ở một số quốc gia; thảo luận về phương pháp tiếp cận, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục và các bài học thực tiễn để xây dựng, thực hiện chiến lược phát triển giáo dục cho Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!