Đằng sau thành quả hiện tại của doanh nghiệp là tinh thần không ngừng học tập để vươn mình tiệm cận với đẳng cấp thế giới như lời chia sẻ của bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software: "Những con người đẳng cấp tạo nên một công ty đẳng cấp thế giới".
Tạo động lực tiệm cận đẳng cấp thế giới
Từ những ngày đầu thành lập, FPT Software mang tâm thế "đếch biết gì cũng tiến" đi ra thế giới. Chỉ một năm sau đó, "bài học đầu đời" công ty nhận được chỉ là những thất bại. FPT Software nhận ra rằng, để tồn tại và phát triển tại thị trường nước ngoài phải thay đổi tư duy và nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các khách hàng toàn cầu. Ngay lập tức công ty bắt tay vào đào tạo quy trình, ngoại ngữ, luyện thi các chứng chỉ quốc tế và truyền tinh thần khát khao học hỏi tới từng cán bộ nhân viên.
Một chương trình đào tạo nâng cao năng lực nổi bật trong số đó là chiến dịch CMM-4. CMM là chứng chỉ chất lượng của Viện Kỹ nghệ Phần mềm SEI, do Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập và cấp kinh phí hoạt động. Năm 2002, FPT Software là công ty đạt CMM bậc 4 (trên tổng số 5 bậc), lọt vào danh sách 100 công ty hàng đầu thế giới về quản lý chất lượng. CMM-4 trở thành tấm giấy thông hành để FPT Software bước vào thị trường thế giới.
Tinh thần học hỏi được lan tỏa khắp công ty.
Trong quản trị dự án, FPT Software cũng liên tục nâng cao chuẩn mực thông qua hợp tác với những tổ chức hàng đầu thế giới như Viện Quản lý Dự án (PMI). Hơn nữa, công ty đã đầu tư nghiên cứu các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực AI, Cloud, Automotive,... FPT Software là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh AI toàn cầu cùng IBM, Meta và 50 tổ chức lớn khác. Doanh nghiệp mới đây đã hợp tác cùng Aitomatic và Tokyo Electron (TEL) cho ra mắt SemiKong, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mã nguồn mở đầu tiên trên thế giới dành riêng cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Nuôi dưỡng khao khát học tập
Một trong những yếu tố giúp Infosys trở thành huyền thoại CNTT của thế giới là văn hóa học tập suốt đời. Infosys đã thành lập Trung tâm Giáo dục toàn cầu tại Mysore (Ấn Độ) năm 2002, rộng 150ha, có 400 giảng viên và hơn 200 phòng học. Trung tâm có thể tiếp nhận và đào tạo 14.000 cá nhân cùng thời điểm.
Tương tự Infosys, FPT Software đang tích cực trở thành một tổ chức học tập để tiến đến và đi xa hơn mục tiêu "Công ty Tỷ đô, Đẳng cấp Thế giới". Đầu năm 2024, FPT Software đã chiêu mộ thành công ông Prajith Nair, nguyên Giám đốc Đào tạo tại Infosys, về đảm nhiệm vị trí Giám đốc Đào tạo và Đổi mới Sáng tạo. Ông khẳng định: "Một công ty muốn phát triển vững mạnh cần có những CBNV luôn sẵn sàng giải quyết những thách thức của khách hàng. Muốn vậy, mỗi cá nhân cần chủ động học hỏi và phát triển bản thân. Trong đó, việc đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu của khách hàng chỉ nên chiếm khoảng 20%, còn 80% khối lượng đào tạo phải dựa trên đòi hỏi từ chính vị trí công việc và lộ trình sự nghiệp của từng CBNV".
Cụ thể, FPT Software cung cấp các chương trình học tập chủ động dành cho CBNV với đa dạng phương pháp đào tạo, từ tự đào tạo trực tuyến và trực tiếp trong nội bộ, đến hỗ trợ kinh phí, thời gian cho nhân viên học và thi các chứng chỉ.
Năm 2022, FPT Software đầu tư 100 tỷ đồng vào nền tảng học tập trực tuyến nổi tiếng thế giới Udacity để đào tạo nâng cao năng lực cho CBNV. Đồng thời, nhiều chương trình học tập chất lượng cao cùng các chiến dịch hỗ trợ học, thi chứng chỉ liên tiếp ra đời như Upskilling (phát triển kỹ năng chuyên sâu cho lập trình viên), Global SE (đào tạo tiếng Anh), 20K Certificates (đào tạo chứng chỉ chuyên môn), PMI-555 (đào tạo chứng chỉ quản lý dự án),… mang đến cơ hội học tập cho hơn 33.000 CBNV.
Chuẩn bị nguồn lực CNTT tương lai
Infosys đang có khoảng 317.000 CBNV, gấp khoảng gần 10 lần số lượng CBNV của FPT Software. Sự phát triển của Infosys cũng gắn liền với triết lý phát triển nhân sự, coi con người là tài sản quý giá nhất của công ty.
Hướng tới quy mô của Infosys đồng nghĩa FPT Software cần chuẩn bị nguồn lực rất lớn trong dài hạn. FPT Software đã liên kết các trường đại học có ngành CNTT phát triển và tài trợ học bổng cho các sinh viên công nghệ xuất sắc. Mới đây, công ty đã công bố gói đào tạo 150 tỷ đồng, liên kết với 15 trường đại học để thúc đẩy nguồn lực CNTT biết tiếng Nhật.
Khi đến Việt Nam tháng 5 vừa qua, ông Narayana Murthy, nhà sáng lập Infosys, nhận định: "Việt Nam là duy nhất, thể hiện lòng dũng cảm và khát vọng. Chúng tôi tin rằng, các bạn cũng có thể thành công." Ông nhấn mạnh rằng doanh nghiệp như FPT sẽ giúp Việt Nam khai thác tiềm năng, đặc biệt trong việc phát triển nguồn lực chất lượng cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!