Bản quyền C1, C3 và tâm lý "xem chùa"

Theo VTVcab-Thứ hai, ngày 15/05/2017 15:29 GMT+7

VTV.vn - Vấn đề bản quyền truyền hình một lần nữa lại trở thành đề tài nóng bỏng khi Champions League và Europa League lần thứ hai liên tiếp bị ngừng cung cấp tín hiệu.


Bên cạnh việc lấy sóng, cắt ghép clip để "kinh doanh" của các đơn vị truyền hình và các trang báo mạng thì cũng cần phải nói đến thói quen xem bóng đá "chùa" của khán giả Việt Nam là nguồn cơn khiến đối tác KJSM cắt sóng của VTVcab.

Mất bản quyền C1, C3 vì Livestream?

Tại Việt Nam, vấn đề vi phạm bản quyền nói chung và bản quyền truyền hình nói riêng là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội khi một bộ phận không nhỏ người xem luôn thích "xài chùa". Đơn cử như sự việc VTVcab bị KJSM ngừng cung cấp tín hiệu Champions League và Europa League trên lãnh thổ Việt Nam được NHM đón nhận với tâm trạng khá vui mừng bởi họ đã có phương án xem miễn phí.

Bản quyền C1, C3 và tâm lý xem chùa - Ảnh 1.

Bản quyền C1, C3 và tâm lý xem chùa - Ảnh 2.

Đây là một trong những hình thức vi phạm của các báo mạng khi dẫn link sopcast từ các trang mạng của nước ngoài

Chỉ cần vài cú click chuột dạo qua mấy trang web lậu hoặc các trang mạng xã hội là khán giả có thể xem không mất đồng nào. Khi gõ từ khóa "Link sopcast xem champion league" trên trang tìm kiếm google sẽ cho ngay khoảng 2.050.000 kết quả trong 0,52 giây. Việc xem lậu miễn phí đã trở thành một câu chuyện quá đỗi bình thường và được mặc nhiên thừa nhận ở nơi mà văn hóa bản quyền là một khái niệm "xa xỉ". Những hình thức livestream fanpage trên facebook hay dẫn link sopcast đã trở nên quen thuộc cùng cách sử dụng dễ dàng đã giúp cho những hình thức xem bóng đá miễn phí trên mạng này ngày càng trở nên phổ biến. Điều này vô hình chung sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị kinh doanh truyền hình như VTVcab.

Luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng VP Luật sư Phan Law Việt Nam - PCT Hội sở hữu Trí tuệ TP.HCM) cho biết: Thực tế, VTVcab bị vi phạm bản quyền ở quá nhiều hình thức khác nhau vì thế các nỗ lực ngăn chặn các hành vi vi phạm của họ không thể đạt hiệu quả. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay sự phát triển của công nghệ giúp cho các hành vi vi phạm được thực hiện quá dễ dàng.

Cần biện pháp cứng rắn trong vi phạm bản quyền

Thực tế, khán giả Việt Nam vẫn xem được trực tiếp các trận đấu hấp dẫn tại bán kết lượt về Champions League (các ngày 10, 11/5) và Europa League (ngày 12/5) dù những trận đấu này không phát trên truyền hình. Một câu hỏi được đặt ra là "Làm thế nào để xử lý tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan này?".

Bản quyền C1, C3 và tâm lý xem chùa - Ảnh 3.

Luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng VP Luật sư Phan Law Việt Nam - PCT Hội sở hữu Trí tuệ TP.HCM)

Luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết: "Đây là một câu hỏi khó, không phải chỉ dành cho Việt Nam mà cho tất cả các nước. Ở Việt Nam, chưa có hành vi vi phạm bản quyền nào bị xử lý hình sự. Trong khi ở các quốc gia khác họ xử lý rất nghiêm đối với những hành vi vi phạm này, bởi ăn cắp tài sản của một người đã là phạm tội hình sự. Ở Việt Nam mặc dù có tội hình sự nhưng chúng ta không áp dụng được trong khi việc này có thể gây ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt Nam mà không bị xử lý hình sự thì tôi cho rằng cái việc áp đặt các mức phạt với hành vi này cần phải nghiêm khắc. Như vậy mới đảm bảo quyền lợi của người xem".

Rõ ràng, bản quyền bóng đá ở Việt Nam là một câu chuyện nhức nhối và là cái vòng luẩn quẩn. Để giải quyết được vấn đề này cần sự phối hợp của nhiều phía như cấp quản lý nhà nước đến nhận thức của người xem. Và một đất nước văn minh không thể mãi dung túng cho việc vi phạm bản quyền.

Các hình thức "ăn cắp" bản quyền phát sóng C1, C3 tại Việt Nam

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng VP Luật sư Phan Law Việt Nam - PCT Hội sở hữu Trí tuệ TP.HCM) - người đã theo dõi vụ việc trên, có 3 hình thức mà các tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền phát sóng thường sử dụng.

- Hành vi vi phạm thứ nhất xuất phát từ chính các đồng phân phối của VTVcab khi các đơn vị chỉ được cấp phép truyền dẫn nguyên kênh nhưng lại phát sóng trên Internet.

- Thứ hai là các website, các trang mạng xã hội lan truyền và livestream các chương trình mà không biết rằng đó là các hành vi vi phạm bản quyền hoặc thậm chí biết nhưng vẫn cố tình vi phạm.

- Thứ ba là các trang tin điện tử cắt xén, cắt ghép các clip của chương trình để đưa lên dưới hình thức là tin tức khi đây là những hành vi vi phạm.

Như vậy là sau rất nhiều lần cảnh báo, quyết định cứng rắn từ KJSM đã được đưa ra khi chính thức ngừng phát sóng hai giải đấu trên tại Việt Nam. Chắc chắn thiệt hại đầu tiên sẽ là khán giả truyền hình khi họ mất đi một món ăn tinh thần hấp dẫn và cùng với đó là hình ảnh của Việt Nam sẽ xấu đi rất nhiều trong mắt các đối tác quốc tế.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước